Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật
Sự kiện này nhằm hưởng ứng Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 và Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 20/4 do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Viện Đô thị thông minh và quản lý (ISCM) thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM phối hợp cùng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ (NATEC) và Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NATEC) tổ chức.
Việt Nam có 6,2 triệu người khuyết tật
Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác về người khuyết tật (2022) của Uỷ ban Quốc gia về Người khuyết tật, cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Số liệu này cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Toạ đàm “Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật" được tổ chức nhằm thảo luận và thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các bên liên quan về thử nghiệm, định hướng và giải pháp xây dựng thành phố thông minh, không rào cản cho mọi người, bao gồm người khuyết tật.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) phát biểu khai mạc: “Toạ đàm nhằm hướng đến việc thảo luận, trao đổi, hợp tác và đề xuất sáng kiến xây dựng thành phố thông minh, phát triển bao trùm, không rào cản dành cho mọi người đặc biệt dành cho người khuyết tật. Đây là hoạt động có ý nghĩa chiến lược, đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ nằm trong khuôn khổ Techfest quốc gia. Mọi đổi mới sáng tạo chính là để phục vụ con người bao gồm cả các nhóm dễ bị tổn thương để phát huy nội lực tổng thể phát triển xây dựng đất nước”.
Các diễn giả tại tọa đàm |
Ông Donguk Kim – Giám đốc cấp cao, Quỹ Hy vọng Tập đoàn Tài chính Shinhan chia sẻ: “Tại Việt Nam, một trong các trọng tâm hỗ trợ của chúng tôi là thành phố thông minh không rào cản, dự án đã hỗ trợ thành công hơn 180 đối tác tại địa phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau như CNTT, Đào tạo nghề, Giáo dục điện tử, v.v. và mang lại nhiều lợi ích cho người khuyết tật. Chúng tôi luôn mong muốn đóng góp và thúc đẩy hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam để mang lại những giải pháp tốt hơn cho cộng đồng người khuyết tật nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy hết các tiềm năng của mình”.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam, Trưởng làng Sáng tạo Mở Xã hội, Techfest 2023 chia sẻ “Việt Nam có nhiều người khuyết tật, chiếm tận 7% dân số nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến họ khó tiếp cận và tham gia các dịch vụ công cộng, đời sống kinh tế xã hội. Những rào cản này có thể được phần nào xoá bỏ và giảm thiểu nếu chúng ta sử dụng phương pháp thành phố thông minh phù hợp, nơi kết nối tất cả các bên liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, doanh nghiệp khởi nghiệp, viện trường, v.v để thiết kế, phát triển các ứng dụng, các phương thức để phục vụ cho mọi người, bao gồm Người khuyết tật, trẻ em, người già, phụ nữ có thai, v.v tức là công nghệ bao trùm dành cho tất cả mọi người”.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững |
Người khuyết tật vẫn đối mặt với nhiều rào cản
Chia sẻ cách tiếp cận của Viện đô thị thông minh và quản lý (ISCM), Nghiên cứu sinh tiến sĩ Phạm Nguyễn Hoài - Giảng viên Viện Đô thị thông minh và Quản lý, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH chia sẻ 3 rào cản đối với người khuyết tật bao gồm: Trải nghiệm cá nhân, Rào cản về tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ và chính sách đến thực thi.
Nói về các giải pháp công nghệ, ỹ thuật của thành phố thông minh có thể bao gồm các công nghệ kỹ thuật hiện đại như: ứng dụng di động, cảm biến thông minh, hệ thống giao thông thông minh, thiết bị hỗ trợ thông minh. Công nghệ đóng vai trò quan trọng để người khuyết tật tiếp cận cơ sở vật chất và dịch vụ. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, kể cả những công nghệ đơn giản nhất cũng có thể không dễ dàng được sử dụng và tiếp cận được tới các đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm người khuyết tật.
Trải nghiệm ứng dụng dành cho người khuyết tật |
Trong toạ đàm “Thành phố thông minh – Định hình tương lai”, các đại diện doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Overflow, LBStech, Rivo, Xinapase, Vulcan giới thiệu và chia sẻ về các giải pháp công nghệ thiết thực dành cho NKT để xoá bỏ các rào cản về tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Các giải pháp, phương pháp và ứng dụng đổi mới sáng tạo mới được giới thiệu rất đa dạng như giải pháp di chuyển cho người khiếm thị, giải pháp vật liệu và lắp đặt lát đường hướng dẫn cho người khuyết tật, ứng dụng mua sắm cho người khuyết tật, ứng dụng bàn phím thông minh, sách và phần mềm giọng nói, bàn tay giả, v.v... đều được thiết kế tâm huyết dựa trên nhu cầu của người khuyết tật.