Thanh Hóa: Huyện Hậu Lộc phấn đấu có ít nhất 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao năm 2023
2 điểm dịch vụ du lịch đầu tiên ở Hà Nội đạt OCOP Đề nghị công nhận vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia |
UBND huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023.
Theo đó, huyện Hậu Lộc đặt mục tiêu thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Đồng thời, huyện này cũng tổ chức triển khai thực hiện chương trình OCOP từ cấp huyện đến xã, thị trấn; áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả chương trình. Trong đó, chú trọng nâng cao vai trò cấp xã trong phát triển các sản phẩm thế mạnh của vùng và vai trò chủ thể của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Sản phẩm mắm tôm Hòa Hải đạt OCOP 3 sao. Ảnh minh họa. |
Về mục tiêu cụ thể, huyện Hậu Lộc phấn đấu có ít nhất 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao (trong đó có ít nhất 1 sản phẩm đạt 4 sao); 100% đơn vị cấp xã kiện toàn bộ máy tổ chức OCOP và hình thành bộ máy tham mưu giúp việc chuyên trách; Đào tạo, tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP huyện, xã và chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình.
Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, cùng với xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đã góp phần khơi dậy sự chủ động, sáng tạo của các chủ thể, đưa các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của huyện Hậu Lộc trở thành sản phẩm OCOP.
Khi tham gia OCOP, huyện Hậu Lộc xác định cần xây dựng sản phẩm dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đó là các loại sản phẩm chế biến từ thủy, hải sản. Trong đó có các sản phẩm như tôm nõn, cá thu nướng, mắm tôm, mật ong sú vẹt, sản phẩm từ yến...
Cùng với đó, huyện Hậu Lộc tiếp tục thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để khơi gợi sự chủ động của các chủ thể sản xuất với chương trình. Mỗi sản phẩm khi xây dựng thành công sản phẩm OCOP sẽ được huyện hỗ trợ 30 triệu đồng/sản phẩm OCOP 3 sao; 50 triệu đồng/sản phẩm OCOP 4 sao.
Năm 2022, tổng nguồn lực thực hiện chương trình OCOP huyện Hậu Lộc là 30,7 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh của tỉnh là 380 triệu đồng; nguồn ngân sách huyện là 360 triệu đồng; nguồn xã hội hóa 30 tỷ đồng, là vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư…
Tính lũy kế đến nay, huyện Hậu Lộc đã có 8 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao (tổ yến sào, tổ yến chưng), 6 sản phẩm đạt 3 sao (mắm tôm Hòa Hải, rượu Chinê, đông trùng hạ thảo sấy khô, tôm nõn Mai Hường, cá thu nướng Quân Thủy, mật ong Đa Lộc).
Để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững các sản phẩm OCOP, UBND huyện Hậu Lộc thường xuyên giám sát việc sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, đối với tiêu chí an toàn thực phẩm, huyện chỉ đạo Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có các chủ thể sản phẩm OCOP đã và đang được xếp hạng thực hiện tốt và chấp hành các quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và đáp ứng các tiêu chuẩn chung đối với phụ gia thực phẩm...