Nhà báo Hà Đăng

Thái độ chân chính nhất ở người làm báo là tự đánh giá đúng về mình

Ở tuổi 95, cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân… đã đạt được nhiều mốc son rực rỡ, tự hào. Tuy nhiên, bỏ sang một bên những ánh hào quang, ông chỉ đơn giản muốn được gọi là “Nhà báo Hà Đăng”. Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cơ hội lắng nghe chia sẻ của ông về chuyện đời, chuyện nghề…
Tăng cường xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo

Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân…

- PV: Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, trân trọng chúc ông dồi dào sức khỏe. Xin ông chia sẻ một vài nét sơ lược về sự nghiệp của mình?

- Nhà báo Hà Đăng: Tôi quê ở xã Bình Kiến, huyện Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên. Bài báo đầu tiên tôi viết năm 1947 đăng ở tờ Phấn đấu, một tờ báo tỉnh. Sau đó, năm 1950, tôi ra Liên khu V làm phóng viên Tạp chí Miền Nam - cơ quan của Ban đại diện Văn hóa cứu quốc ở Nam Trung Bộ. Năm 1951, tôi trở thành phóng viên báo Văn nghệ Liên khu V. Năm 1952, tôi làm biên tập viên cho tờ Nhân Dân ở Liên khu V (thời điểm đó, Đảng ta có ba tờ Nhân Dân: Nhân Dân Trung ương, Nhân Dân Liên khu V và Nhân Dân Nam Bộ).

Thái độ chân chính nhất ở người làm báo là tự đánh giá đúng về mình
Nhà báo Hà Đăng nguyên là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương

Năm 1955, tôi tập kết ra Bắc, công tác ở Ban Nông thôn báo Nhân Dân. Năm 1968, tôi được cử tham gia Hội nghị Paris với tư cách cố vấn Đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Năm 1986, tôi được bầu vào Trung ương khóa VI, đầu năm 1987, tôi được tín nhiệm giao nhiệm vụ Tổng Biên tập báo Nhân Dân. Năm 1992, tôi được giao nhiệm vụ Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương. Tới năm 1996, tôi là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2007. Từ đó, tôi vẫn làm tư vấn, chuyên gia thẩm định cho Tạp chí Cộng sản...

- PV: Từ năm 1947 đến nay, sự nghiệp của ông gắn bó mật thiết với nghề báo. Vậy, quan điểm của ông về công tác báo chí như thế nào?

Thái độ chân chính nhất ở người làm báo là tự đánh giá đúng về mình
Ở tuổi 95, ông vẫn say mê với nghề báo

- Nhà báo Hà Đăng: Dù được giao bất cứ nhiệm vụ nào, phóng viên hay quản lý, tôi luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ về nghề báo. Nói chuyện tại Ðại hội III, Người chỉ rõ: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng". Người giải thích rõ "mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hòa bình thế giới". Bác căn dặn: “Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng chứ không phải làm báo là để lưu danh thiên cổ"; muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên báo lớn.

- PV: Theo ông, trong nghề báo phải có những phẩm chất gì để hoàn thành tốt nhiệm vụ, phụng sự tốt cho Nhân dân và sự nghiệp cách mạng?

- Nhà báo Hà Đăng: Còn nhớ, năm 1956, tôi viết tin phản ánh về một hội nghị tổng kết nông nghiệp, có Bác Hồ đến dự. Tuy nhiên, tôi chỉ phản ánh những "khuyết điểm" mà Bác nêu ra, trong khi năm đó chúng ta được mùa lớn và Bác đã có thư khen. Những "khuyết điểm" mà Bác nêu ra để dặn dò, đừng có tự cao tự đại. Sau khi bài báo được in, Bác đã điện thoại cho Tổng Biên tập phê bình: "Nông nghiệp được mùa, Chủ tịch nước đến thăm hội nghị, sao chỉ có phê bình?".

Năm 1968, tôi có bài viết "Phá bĩnh và láo xược" phê phán thái độ của bọn Thiệu - Kỳ phá hoại việc đến dự Hội nghị Paris và có những lời lẽ xấc xược đối với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Bác Hồ điện thoại khen bài viết nhưng phê bình hai chữ "phá bĩnh" không ổn, thiếu tính chính trị.

Thái độ chân chính nhất ở người làm báo là tự đánh giá đúng về mình
Chân dung nhà báo Hà Đăng khi tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Paris với vai trò cố vấn

Sau những lần đó, tôi thấy thấm thía rằng, viết một cái tin cũng phải rất thận trọng, phải đúng sự thật nhưng nhìn nhận sự thật đó như thế nào, mình phải cân nhắc kỹ, không thể theo tư duy ấu trĩ, càng không thể chiều theo những cảm xúc cá nhân. Đồng chí Tố Hữu hay nói, làm báo Đảng phải có 3 bằng đại học: Đại học văn hóa, đại học chính trị và đại học đường đời là như vậy. Bên cạnh đó, tôi vẫn khắc ghi bài học đầu tiên khi ông về công tác ở báo Nhân Dân là bài học về ý thức tổ chức kỷ luật.

Khi tiếp nhận tôi về báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Hoàng Tùng hoan nghênh nhưng nghiêm cẩn nói: "Ở địa phương, các anh có làm vương làm tướng gì cũng mặc còn ở đây viết bài, Tổng Biên tập duyệt và chữa. Bài dở thì bỏ. Anh nào chấp nhận thì ở lại. Anh nào không chịu được thì xin chuyển".

Ngoài ra, làm báo phải lăn xả vào cuộc sống; xa rời cuộc sống thì không thể có những trang viết nóng hổi cảm xúc. Tôi là một anh phóng viên nông thôn nên khắp làng quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ, gần như chưa nơi nào là chưa đặt chân đến, cứ xe đạp cà tàng rong ruổi khắp nơi. Bà con lội đồng lội ruộng mình cũng xắn quần lội. Có lần về Hải Dương, bùn nước ngập ngụa, tôi cứ vác xe đạp lội hàng chục cây số, vất vả vô cùng. Có lần, mình đạp xe về đến nơi thì quá trưa, bà con đã qua bữa và bữa tối thì bà con nhịn, tôi cũng phải bấm bụng nhịn đói nhưng nghĩ đến bài báo, đến trang viết còn dang dở lại thấy lòng náo nức, muốn lăn mình vào thực tế. Lạ vậy đấy!

Nhà báo chân chính cần đức, tài và bản lĩnh chính trị

- PV: Theo ông cần những phẩm chất nào để trở thành một nhà báo chân chính, tận hiến cho nhiệm vụ cách mạng?

Thái độ chân chính nhất ở người làm báo là tự đánh giá đúng về mình
Nhà báo Hà Đăng chụp ảnh lưu niệm với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô

- Nhà báo Hà Đăng: Để trở thành một nhà báo chân chính, cần hội tụ 3 yếu tố, đó là đức, tài và bản lĩnh chính trị. 3 yếu tố này giống như nguyên tắc “kiềng 3 chân”, giữ cho nhà báo luôn vững chân trong nghề. Bởi lẽ, người làm báo dù ở bất kỳ giai đoạn nào, đứng trước bất kỳ tình hình nào cũng phải thạo nghề, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức.

Với nghề báo, chúng ta chỉ say mê thôi là chưa đủ mà còn cần một quá trình tôi luyện, học hỏi để có vốn tri thức, vốn sống; tri thức văn hóa, khoa học; tri thức từng trải. Sự học là mãi mãi... Có vốn, có nền tảng, nhà báo mới luôn có cái nhìn đúng, dám nhìn thẳng, dám nói lên sự thật, không đưa tin thất thiệt.

Vì vậy, tôi cho rằng, nói làm báo khó hay dễ còn tùy theo quan niệm, cách đánh giá của mỗi người. Có việc người này cho là khó, người khác lại bảo dễ và ngược lại. Duy chỉ có điểm chung gần như là đồng thuận đó là “làm báo dễ nhất là viết những bài báo dở” còn “làm báo khó nhất là viết bài báo hay”.

- PV: Ông tác nghiệp báo chí từ những ngày còn bom đạn chiến tranh cho tới nay. Vậy, sự khác biệt nào trong công việc của báo chí giai đoạn trước đây và hiện nay?

- Nhà báo Hà Đăng: Làm báo ngày xưa và nay khác nhau nhiều lắm. Thời của tôi, hầu hết các nhà báo đều không được đào tạo bài bản, nhiều khi làm việc gì, nghề gì là do Đảng cần, Tổ quốc cần. Đặc biệt, thời bao cấp, viết báo không có nhuận bút, khó khăn trăm bề nhưng đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng, mình còn sống ngày nào còn viết, còn cống hiến. Nói cách khác, đó chính là một "tinh thần phục vụ" Đảng vô điều kiện, chỉ cần biết đó là nhiệm vụ Đảng giao có ích cho Nhân dân, cho dân tộc.

Theo tôi, làm báo thời xưa và thời nay chủ yếu là khác nhau ở bối cảnh. Mỗi thời đại, người làm báo sẽ có cái nhìn khác nhau, hướng đến nội dung và cách thể hiện khác nhau. Thời xưa khó khăn trăm bề, thời nay công nghệ thông tin hiện đại, phương tiện tác nghiệp thông minh phong phú, đã tạo nên một môi trường báo chí vô cùng đa dạng và sôi động...

Trước đây khi đất nước chưa công nghiệp hóa, người làm báo muốn đi lấy tài liệu phải lặn lội bằng xe đạp xuống tận cơ sở, ở HTX hàng chục ngày. Nay việc lớn, việc nhỏ vừa xảy ra dù xa đến mấy đã ngập tin trên mạng. Trước đây muốn trích dẫn một câu nói của ai đó vào trong bài thì phải lật từng trang sách thì nay chỉ cần vào internet gõ là ra ngay.

Như vậy, về mặt tác nghiệp người làm báo thời nay dễ hơn nhiều thời trước. Tuy nhiên, khai thác trên mạng bên cạnh những tin thật thì cũng ngập tràn tin giả, tin xấu, trắng đen lẫn lộn. Không tỉnh táo, mất cảnh giác, nhà báo trở thành tiếp tay cho những âm mưu xấu.

- PV: Với kinh nghiệm dày dặn trong nghề báo, ông có chia sẻ gì dành cho đội ngũ phóng viên trẻ?

- Nhà báo Hà Đăng: Bác Hồ, người thầy của báo chí cách mạng đã dạy: Cán bộ phải có đức, có tài. Đức là gốc nhưng tài cũng rất quan trọng! Để có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, người làm báo phải không ngừng tự đào tạo, tự rèn luyện. Kiến thức là vô hạn, bởi thế người làm báo phải tích cực học tập, trau dồi kiến thức. Thái độ chân chính nhất ở người làm báo là phải tự đánh giá đúng về mình.

Đối với các nhà báo trẻ thì phải cần tránh “bệnh ngôi sao”. Các nhà báo lớn tuổi thì không nên nhìn nhà báo trẻ bằng ánh mắt hoài nghi, thiếu tin tưởng, mà cần phải bồi dưỡng họ bởi đây chính là đội ngũ sẽ gánh vác sự nghiệp của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Cường (ghi)
Phiên bản di động