Test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 liệu đã yên tâm?
Hà Nội: 3 người dương tính qua test nhanh không nhiễm nCoV Hà Nội: 3 mẫu xét nghiệm nhanh dương tính với SARS-CoV-2 Trạm xét nghiệm nhanh Covid-19 chính thức hoạt động tại quận Đống Đa |
Hiện Hà Nội đang triển khai test nhanh sàng lọc SARS-CoV-2 tại quận Hai Bà Trưng, quận Ba Đình, quận Đống Đa, huyện Thanh Oai, những đơn vị có nhiều đối tượng tiền sử dịch tế đi/đến/ở khu vực có ổ dịch, cụ thể là Bệnh viện Bạch Mai.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết để khẳng định một trường hợp mắc Covid-19 phải dùng xét nghiệm Realtime RT-PCR. Tuy nhiên, để sàng lọc phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ để cách ly y tế và xét nghiệm khẳng định thì việc test nhanh tại cộng đồng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Test nhanh có 2 loại, 1 loại là phân loại kháng nguyên, 1 loại là phân loại kháng thể. Kháng thể là chất cơ thể sinh ra để chống lại các tác nhân virus. Vì thế, phải có thời gian nhất định thì mới có kháng thể.
“Khi có kháng thể, có nghĩa rằng cơ thể có thể đã xuất hiện virus xâm nhập, lúc đó máu mới kích thích để sản sinh ra kháng thể và là dấu hiệu cảnh báo để sàng lọc. Khi nồng độ kháng thể đủ lớn thì test mới phát hiện được nhiễm bệnh, còn nếu thấp quá thì cũng chưa phát hiện được nhiễm bệnh”, TS Cảm phân tích.
Chính vì vậy, nếu test nhanh có kết quả là dương tính thì cần tiếp tục xét nghiệm khẳng định bằng realtime RT-PCR.
Khi test nhanh có kết quả âm tính, xảy ra hai tình huống sau:
- Nếu trường hợp tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh dưới 7 ngày mà kết quả âm tính thì chưa khẳng định được là có nhiễm bệnh hay không và cần tiếp tục cách ly tại nhà. Khoảng 5-7 ngày sau tiến hành xét nghiệm lại.
- Nếu tiếp xúc nguồn nhiễm bệnh từ 7 ngày trở lên, xét nghiệm âm tính thì về cơ bản có thể yên tâm, nhưng nguyên tắc vẫn phải tiếp tục cách ly 14 ngày theo quy định. Khi có biểu hiện ho, sốt cần báo cho nhân viên y tế tại địa phương để thực hiện xét nghiệm.
Loại test nhanh kể trên nhập khẩu từ Hàn Quốc nhằm sàng lọc người nghi nhiễm, người đang thuộc diện cách ly có tiền sử dịch tế đi/đến/ở khu vực có ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo TS Cảm, nếu phát hiện ra ca bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ kịp thời có biện pháp xử lý ngay, giảm thiểu rất lớn những ảnh hưởng từ dịch bệnh và khống chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Đặc biệt, phát hiện sớm ca bệnh ngày nào, tốt ngày đó.
Theo thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, test nhanh có đặc điểm là độ nhạy, độ chính xác thấp hơn. Độ nhạy khoảng 65-80% và cơ thể càng bị nhiễm lâu càng nhạy; độ đặc hiệu khoảng 60-70% vì phản ứng chéo với kháng thể sinh ra đối với các loại virus, vi khuẩn khác.
Điều đó có nghĩa là xét nghiệm nhanh có tỷ lệ trên 20% là vừa nhầm vừa sót. Xét nghiệm có thể nhầm (xét nghiệm cho kết quả dương tính nhưng thực chất dương với loại virus, vi khuẩn khác) và cũng bỏ sót người đã bị nhiễm nhưng chưa phát bệnh hoặc mới phát bệnh (ít hơn 3 ngày).
Vì vậy loại xét nghiệm này sẽ phát huy tác dụng tốt nhất trong tình huống đã có rất nhiều người nhiễm bệnh, cần xét nghiệm để lọc ra những người đã mắc bệnh nhiều ngày (hơn 3 ngày) để tập trung theo dõi, điều trị. Bộ Y tế đã cho nhập một số lượng để dự phòng cho tình huống này.
Hiện thành phố Hà Nội đã sử dụng xét nghiệm nhanh để sơ bộ đánh giá mức độ lây lan để từ đó có phương án ứng phó phù hợp.
Làm rõ lịch trình đi lại của các ca mắc Covid-19
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu CDC Hà Nội khẩn trương liên hệ với toàn bộ các bệnh nhân dương tính với Covid-19 từ Bệnh viện Bạch Mai, nhân viên Công ty Trường Sinh làm dịch vụ tại BV Bạch Mai để làm rõ lịch trình đi lại, sinh hoạt, ăn uống, tiếp xúc của các bệnh nhân này từ ngày 10/3 đến thời điểm đưa đi cách ly, điều trị.
Sau đó cần khẩn trương thông báo toàn bộ lịch trình của bệnh nhân cho người dân biết để từ đó giúp mọi người dân ý thức về khả năng lây nhiễm, tự kiểm tra và rà soát phát hiện ra những trường hợp đã tiếp xúc với bệnh nhân, từ đó liên hệ với các trung tâm y tế trên địa bàn để được cách ly và xét nghiệm theo đúng quy định.