Techcombank muốn giảm sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài

Hội đồng quản trị Techcombank vừa có Nghị quyết về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Techcombank chính thức được áp dụng tiêu chuẩn Basel II Nợ nguy cơ mất vốn của Techcombank tăng đột biến, vượt 2.300 tỷ đồng Techcombank miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc Lê Bá Dũng

Theo đó, Hội động quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - mã CK: TCB) đã thông qua trình Đại hội đồng cổ đông chấp thuận, phê duyệt điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng từ mức 22,5086% vốn điều lệ xuống mức dự kiến 22,4951% vốn điều lệ kể từ thời điểm kết thúc đợt phát hành cổ phần cho cán bộ nhân viên, người lao động ngân hàng theo phương án tăng vốn điều lệ năm 2019.

Trước đó, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Techcombank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cho người lao động.

Cụ thể, Techcombank sẽ tăng 100 tỷ đồng vốn điều lệ lên mức 35.065 tỷ đồng thông qua phát hành tối đa 10 triệu cổ phần với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần. Thời gian phát hành dự kiến trong quý II/2019 hoặc quý III/2019. Thời điểm phát hành cụ thể do Hội đồng quản trị quyết định phù hợp với chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, các điều kiện phát hành và nhu cầu sử dụng vốn của Techcombank.

techcombank muon giam so huu cua nha dau tu nuoc ngoai
Techcombank muốn giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng từ mức 22,5086% vốn điều lệ xuống mức dự kiến 22,4951% vốn điều lệ.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 7/6/2019, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1200/QĐ-NHNN về việc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.

Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định Techcombank áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 41) kể từ ngày 1/7/2019.

Theo quyết định, Techcombank có trách nhiệm vận hành chính thức hệ thống tính tỷ lệ an toàn vốn chậm nhất ngày 22/6/2019; ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ theo cam kết tại công văn số 5040/2019/TGĐ-TCB ngày 4/6/2019.

Đáng nói, trong bối cảnh nợ xấu tăng đột biến, ở mức hơn 2.300 tỷ đồng, Techcombank vẫn được áp dụng tiêu chuẩn Basel II quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng khiến dư luận và các ngân hàng khác không khỏi bất ngờ.

Cụ thể, tại ngày 31/3/2019, tổng nợ xấu của Techcombank ở mức 2.933 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó riêng khoản nợ khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã chiếm tới 2.307 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) ở mức 293 tỷ đồng, tương đương tăng 23% so với đầu năm, còn khoản nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) lại giảm 62%, còn 323 tỷ đồng. Đồng thời, tổng cho vay khách hàng chỉ tăng 2% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên cho vay khách hàng của Techcombank tăng từ 1,75% lên mức 1,78%.

Được biết, Techcombank cũng là 1 trong số 18 ngân hàng nằm trong danh sách kiểm toán việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Kiểm toán Nhà nước năm 2019.

Năm 2019, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận dự kiến trước thuế là 11.750 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 10%; tăng tổng tài sản lên 375.821 tỷ đồng và số dư tín dụng là 245.366 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng lần lượt là 17% và 13% so với 2018. Đồng thời, ngân hàng cũng lên kế hoạch để đảm bảo giữ tỷ lệ nợ xấu nhóm 3-5 ở mức dưới 2,5%.

Đáng nói, dù năm 2018 đạt mức lợi nhuận tới hơn 10.000 tỷ đồng nhưng Ban lãnh đạo Techcombank quyết định giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức để phục vụ hoạt động kinh doanh, trong đó nhằm tăng vốn chủ sở hữu, đảm bảo các yêu cầu về vốn của Ngân hàng Nhà nước như Basel II và tăng cạnh tranh trên thị trường.

Văn Huy
Phiên bản di động