Tăng cường kỷ cương trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa và các vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng...đã làm phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, đơn thư
Công bố kết luận thanh tra liên quan đến đơn thư phản ánh tại trường Tiểu học Sài Sơn B

Còn “lỗ hổng” trong công tác giải quyết đơn thư

Theo thống kê từ 1/7/2016 đến tháng 7/2021, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Nội) có những diễn biến khá phức tạp, nhất là tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp gia tăng trong dịp diễn ra các sự kiện chính trị và triển khai công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện.

Nhiều vụ việc phát sinh từ những năm trước và đã được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn không nhất trí tiếp tục khiếu kiện kéo dài, chủ yếu là các vụ việc khiếu nại về thu hồi đất để thực hiện dự án, các vụ việc đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai trong nội bộ Nhân dân các xã: Ngọc Mỹ, Phú Cát, Liệp Tuyết, Sài Sơn, Phượng Cách...

Trong khi đó, tại quận Tây Hồ (Hà Nội), việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của thành phố và quận như đường Văn Cao-Hồ Tây, Dự án 104 ha khu đô thị Nam Thăng Long, dự án Tây Hồ Tây… đã làm phát sinh đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân về các quyết định, hành vi hành chính liên quan tới tranh chấp đất đai, việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư… Một số đơn tố cáo phát sinh từ việc giải quyết khiếu nại không đạt được mục đích. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng đơn nặc danh, không ghi rõ tên, địa chỉ của người tố cáo.

Tăng cường kỷ cương trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo
Giai đoạn 2016-2021, huyện Sóc Sơn có 3 vụ việc phức tạp kéo dài (Ảnh minh họa)

Tại huyện Sóc Sơn, cùng với sự phát triển chung trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, tình hình khiếu nại tố cáo cũng có những diễn biến phức tạp. Một số vụ việc mặc dù đã được giải quyết nhưng công dân vẫn có đơn gửi đến nhiều cấp. So với giai đoạn 2010-2015, tỉ lệ đơn khiếu nại tố cáo giai đoạn 2016-2021 tăng. Trong đó có 3 vụ việc phức tạp kéo dài kiến nghị chế độ, chính sách liên quan đến mở rộng khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2; Kiến nghị liên quan đến dự án 65ha –cụm công nghiệp vừa và nhỏ; Kiến nghị của các hộ kinh doanh tại chợ Sóc Sơn..

Các cuộc giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội mới đây cho thấy, công tác này còn không ít bất cập. Điển hình như còn tình trạng Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã ủy quyền cho cấp Phó tiếp công dân thay (theo quy định của Luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND phải trực tiếp tiếp công dân). Ngoài ra, việc phân loại đơn thư còn chưa đúng, ghi chép sổ sách không đầy đủ, theo dõi thiếu chặt chẽ, nhất là thời hạn giải quyết, trả lời...

Đáng lưu ý, hoạt động tiếp công dân trên địa bàn thành phố còn có “lỗ hổng” khi đa số Chủ tịch UBND các địa phương giao cho cấp Phó tiếp.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại đang đặt ra, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, việc phân loại đơn thư từ đầu nguồn tiếp nhận rất quan trọng, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng xử lý. Thực tiễn, tiêu đề của đơn không ghi là tố cáo nhưng nội dung là tố cáo thì cũng cần chuyển đơn giải quyết theo quy định.

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên thì cho rằng, để tránh trùng lặp đơn thư, phần mềm tiếp công dân của thành phố cần sớm được củng cố, triển khai rộng, nhằm xử lý thông tin nhanh, không trùng lặp. Ngoài ra, công tác tiếp công dân của thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phải được tăng cường yếu tố kỷ cương, trách nhiệm hơn nữa. Trong đó, cấp ủy các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc người dân phản ánh, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở để không tạo nên bức xúc, dẫn đến khiếu nại đông người, vượt cấp gây bất ổn xã hội.

Tăng cường kỷ cương trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi giám sát tại huyện Sóc Sơn

Chú trọng tiếp dân, giải quyết thấu đáo từ cơ sở

Theo Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là rất quan trọng, dự báo xu hướng việc khiếu nại, tố cáo sẽ tăng trong thời gian tới, liên quan đến quá trình đô thị hóa và nhiều vấn đề dân sinh như: Môi trường, xử lý rác thải, bồi thường giải phóng mặt bằng...

Vì thế, các cấp, các ngành của thành phố và quận, huyện cần tăng cường kỷ cương, trách nhiệm, làm thực chất, làm đúng trách nhiệm, thẩm quyền; Đặc biệt xác định rõ vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, để các vụ việc được giải quyết ngay từ cơ sở, không tạo nên bức xúc, dẫn đến khiếu nại đông người.

“Các Sở, ngành, quận, huyện cần chú trọng tiếp công dân để nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh ở địa phương. Thẩm quyền giải quyết của cấp nào thì phải giải quyết dứt điểm, thấu đáo ngay từ cấp đó, tránh vượt cấp. Những vụ việc khó, tồn đọng kéo dài, qua nhiều cơ chế, chính sách thì phải có thống kê, phân loại, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc của từng vụ việc; Cần thiết phải thành lập tổ công tác”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật, tăng cường đối thoại, hòa giải ở cơ sở với mục đích giải quyết hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, để cử tri và Nhân dân hiểu rõ thành phố luôn quan tâm giải quyết các kiến nghị, bức xúc của người dân.

Ở phương diện địa phương, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn đề xuất, Quốc hội nên sửa đổi quy định về số ngày cấp trưởng tiếp công dân. Hiện nay, Chủ tịch UBND các địa phương tham gia rất nhiều “vai”, cả cấp ủy và chính quyền nên quá nhiều việc, vì thế cần quy định là chủ tịch UBND tiếp công dân 1 ngày/tháng, còn lại giao cấp phó tiếp. Ở một số lĩnh vực, cấp phó được phụ trách mảng, lĩnh vực thì việc nắm bắt, trả lời ngay được các vấn đề tại cơ sở sẽ dễ dàng hơn.

Đồng tình với việc giao cấp trưởng tiếp công dân 1 ngày/ tháng, còn cấp phó tiếp 3 ngày/ tháng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân cho rằng, có vụ việc chủ tịch UBND giải quyết được ngay nhưng có việc cấp phó cũng giải quyết được theo lĩnh vực phụ trách. Tuy nhiên, cần phải “luật hóa” vấn đề này mới dễ thực hiện.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động