Tăng cường kiểm soát dịch bệnh ở các đô thị lớn để tạo động lực đẩy lùi Covid-19
Bắc Giang: F1 ở lỳ trong nhà 4 tiếng, lực lượng chức năng phải phá cửa, cưỡng chế cách ly Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Hà Nội sẽ gương mẫu, đi đầu chiến đấu và chiến thắng “giặc” Covid-19 |
Bộ Y tế kiểm tra phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang. |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định đang dồn tổng lực hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang ở mức cao hơn so với đợt dịch tại Đà Nẵng. Bộ phận thường trực đặc biệt tại Bắc Giang được thành lập cũng có toàn quyền điều phối nhân lực từ mọi nơi tới hỗ trợ địa phương này chống dịch. Trước tiên liệu toàn tỉnh Bắc Giang có 50.000 người nguy cơ lây nhiễm rất cao, buộc phải tăng tốc xét nghiệm nhanh, “làm sạch” công nhân qua nhiều vòng. Người đứng đầu ngành y tế nước ta nhấn mạnh: “Chấp nhận nhầm còn hơn bỏ sót thì mới nhanh được, mới có thể thắng được. Mỗi ngày phải làm 50.000 mẫu. Đà Nẵng nhanh 1 thì trận này ở Bắc Giang phải nhanh 10”.
Theo đánh giá sơ bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, nguồn lây là tại các khu vực nhà máy trong khu công nghiệp, trong khu nhà ở, lưu trú của công nhân vì đây là nơi có mật độ làm việc, lưu trú đông, trong khi đó chủng virus này lây lan nhanh, mạnh và phát tán rộng trong môi trường không khí. Với tình hình biến chủng như vậy, lây nhiễm như vậy, số mắc còn tăng. Điểm phải tập trung bằng được là ngăn dịch tại các khu công nghiệp. Lực lượng y bác sĩ được cử đến Bắc Giang chung tay chống dịch đều là chuyên gia dày dạn cũng tính toán “kịch bản” 3.000 người nhiễm tại Bắc Giang, tức là số mắc sẽ còn tăng.
Nếu không phát huy kinh nghiệm từng có của Việt Nam để dập dịch quyết liệt tại Bắc Giang, thì thành tựu chống Covid-19 không còn giá trị gì. Đợt lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 ở nước ta, đã hoành hành suốt 1 tháng qua. Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cho rằng đợt bùng phát này có thể kéo dài hơn so với các đợt trước. Như vậy, cần có những hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn sự bành trướng của virus corona, nhất là phải tăng cường kiểm soát dịch bệnh ở các đô thị lớn. Từ ngày 27/4 đến nay đã có hơn 2.000 trường hợp mắc Covid-19, nhiều nhất là ở các khu công nghiệp chiếm tới 66,3% ca nhiễm. Với nhiều chuỗi lây nhiễm từ nhiều nguồn, nhiều biến chủng chưa có dấu hiệu suy giảm, thì việc ứng phó Covid-19 phải nâng lên mức độ cao hơn. Để bảo đảm cho sự vận hành nền kinh tế quốc gia không bị ngưng trệ, không thể cực đoan giãn cách xã hội trên cả nước, nhưng từng địa phương phải linh động áp dụng các biện pháp phù hợp nhất.
Đầu buổi sáng 26/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra tình hình chống dịch tại Bắc Giang. |
Hiện nay, cả ba đô thị lớn ở ba miền là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM đều đã có ca lây nhiễm trong cộng đồng, ít nhiều tác động đến tốc độ phát triển các ngành thương mại và dịch vụ. Để không làm đứt gãy thị trường cung cầu hàng hóa, các đô thị lớn không còn cách nào khác là nhanh chóng khoanh vùng nguy cơ, nhanh chóng truy vết F1,F2 và xét nghiệm trên diện rộng nhằm vô hiệu những trường hợp nguy hiểm. Tại đô thị lớn nhất phương Nam, Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM đã được kích hoạt vào hoạt động với nhiệm vụ điều phối công tác khẩn cấp và cung cấp thông tin kịp thời cho người dân. Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh người dân phải chú trọng đến sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, khuyến cáo những người trên 60 tuổi hạn chế ra đường vì khả năng kháng thể của người lớn tuổi yếu”.
Tương tự, Đà Nẵng là đô thị trung tâm của miền Trung cũng mạnh mẽ ứng phó với Covid-19, nhằm tránh khỏi hoàn cảnh hệ lụy trước đây. Vào cuối tháng 7/2020, đợt dịch thứ 2 bùng phát tại thành phố Đà Nẵng. Ở thời điểm đó, chỉ có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng là đơn vị đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR, với công suất 400-500 mẫu đơn/ngày. Nhưng với tình hình dịch bệnh căng thẳng, chỉ trong 1 ngày phát hiện 45 ca bệnh, tập trung ở bệnh viện - nơi tuyến đầu của ngành y tế và là nơi có rất đông người là bệnh nhân, người chăm bệnh... đòi hỏi thành phố phải có giải pháp truy vết, khoanh vùng, đẩy tiến độ xét nghiệm nhanh nhất, nhiều nhất các đối tượng, các khu vực có nguy cơ cao.
Cùng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các địa phương khác và sự quyết tâm, nỗ lực vượt khó của thành phố đáng sống, CDC Đà Nẵng đã thực hiện thành công việc xét nghiệm mẫu gộp nhóm 5. Đến cuối đợt dịch thứ 2, đã có 9 đơn vị được Bộ Y tế, Sở Y tế công nhận đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2. Đà Nẵng đã nâng cao năng suất xét nghiệm của toàn thành phố gần 4.000 mẫu đơn/ngày, tương ứng với hơn 15.000 lượt xét nghiệm/ngày.
Xác định dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, với tinh thần chủ động, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư, huy động thêm trang thiết bị xét nghiệm cho các đơn vị, riêng đối với CDC Đà Nẵng đã được trang bị thêm 2 máy tách chiết tự động và đang có kế hoạch trang bị 2 máy Realtime-PCR. Đến đợt dịch thứ 3 vào đầu năm 2021, CDC Đà Nẵng tiếp tục cải tiến phương pháp mẫu gộp nhóm 5 thành mẫu gộp nhóm 10 và lượng mẫu tối đa có thể xét nghiệm là 20 mẫu/phản ứng. Với phương pháp này, từ ngày 3/5 đến 21/5, Đà Nẵng đã xét nghiệm 271.962 trường hợp, ngày cao nhất thực hiện xét nghiệm được gần 37.000 trường hợp.
Hiện tại Đà Nẵng đã có thể thực hiện được tất cả các khâu công việc xét nghiệm, đồng thời triển khai và duy trì tốt hệ thống nhập, trả kết quả online của CDC Đà Nẵng với các đơn vị. Do đó, khi có dịch xảy ra trên diện rộng, ngành y tế chủ động được nguồn lực cũng như vận hành thông suốt ở tất cả các khâu, từ việc lấy mẫu, nhập số liệu, trả kết quả... nhằm có kết quả nhanh nhất, chính xác nhất. Giai đoạn cuối tháng 5/2021, Đà Nẵng triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng theo đại diện hộ gia đình, những đối tượng có nguy cơ cao như tài xế taxi, Grab, tiểu thương, và tiến tới sẽ xét nghiệm cho công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn.
Đặc trưng của đô thị lớn là mật độ dân cư dày đặc và mỗi người đều có mối quan hệ đa dạng trong giao tiếp và làm ăn. Do đó, khi trường học đã tạm đóng cửa và các tụ điểm vui chơi đã ngừng hoạt động, thì bệnh viện và siêu thị là hai khu vực phải giãn cách tối đa. Hạn chế người thăm nuôi ở bệnh viện không khó, nhưng hạn chế người mua sắm lại cực kỳ phức tạp. Nên chăng, chính quyền có chủ trương ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp khuyến khích người tiêu dùng đặt hàng qua mạng và giao hàng tận nơi.
Dù đã có nhiều đơn vị đóng góp để mua vắc-xin, nhưng diễn biến của Covid-19 vẫn đầy lo ngại trong thời gian tới. Giữ cho các đô thị lớn không bị chao đảo vì dịch bệnh, cũng sẽ giữ được sự ổn định đời sống dân sinh cho cả nước. Bởi lẽ, khi và chỉ khi dây chuyền sản xuất được vận hành liên tục thì thu nhập của người dân nhập cư đô thị sẽ góp phần tương trợ cho thân nhân ở vùng khó khăn hơn. Ngoài việc đeo khẩu trang và khai báo y tế đầy đủ, thì sự thay đổi giờ làm việc, giờ tan ca và ứng dụng công nghệ thông tin cho những đối tượng có thể tác nghiệp tại nhà sẽ giúp các đô thị lớn tránh được những rủi ro khi quy tụ quá đông người ở cùng một không gian và một thời điểm./.