Tại sao bệnh bạch hầu có thể gây tử vong và thời gian tử vong ra sao?
Chỉ trong vòng một tháng, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 34 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có ba trường hợp tử vong.
Bộ Y tế khuyến cáo bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Bạch hầu rất nguy hiểm vì vi khuẩn gây ra độc tố cực mạnh. Chất độc giết chết các tế bào trong miệng, mũi và cổ họng. Các tế bào chết nhanh chóng tích tụ và tạo thành một màng bám có thể bám vào cổ họng và dẫn đến tử vong do nghẹt thở. Bạch hầu cũng có thể ảnh hưởng đến tim (gây suy tim và tử vong) và các dây thần kinh (gây tổn thương thần kinh bao gồm yếu và tê liệt chân tay).
Các triệu chứng ban đầu bao gồm khó chịu, đau họng, chán ăn và sốt nhẹ (khoảng 38 độ C). Trong vòng 2 - 3 ngày, một màng màu trắng hơi xanh hình thành và mở rộng, từ việc che một mảng nhỏ trên amidan đến bao phủ hầu hết vòm miệng. Thông thường vào thời điểm đi khám bác sĩ thì màng đã có màu xanh xám hoặc đen nếu đã bị chảy máu. Màng này bám chắc vào mô và nếu cố gắng loại bỏ nó sẽ gây chảy máu. Nếu sự màng này mở rộng do sự sinh sản của vi khuẩn có thể dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp. Trong khi một số bệnh nhân có thể phục hồi vào thời điểm này mà không cần điều trị, những người khác có thể bị bệnh nặng hơn và thậm chí tử vong.
Phân tích rõ hơn về cơ chế gây tử vong của bệnh bạch hầu, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA) cho hay, tính độc gây chết người của vi khuẩn Bạch Hầu thường bắt nguồn từ chất độc được tiết ra bởi vi khuẩn này có tên là Diptheria Toxin.
"Nếu hấp thụ đủ độc tố, bệnh nhân có thể bị xanh xao, mạch đập nhanh, choáng váng, hôn mê và thậm chí có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày" - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Vũ, gene mã hóa cho chất độc này thực ra không phải của vi khuẩn mà nó có nguồn gốc từ một loại virus của vi khuẩn. Độc tính của vi khuẩn có thể mạnh hơn khi số lượng gene độc tố này được gắn vào trong bộ gene của vi khuẩn nhiều hơn.
Diptheria Toxin là một loại “độc tố ngoại bào”, tức là chúng có thể tiết ra ngoài trong quá trình sống của vi khuẩn. Từ đó độc tố Diptheria Toxin có thể di chuyển khắp cơ thể vào bám dính vào các tế bào có thụ thể phù hợp để bắt đầu quá trình xâm nhập vào trong tế bào. Khi vào được bên trong thì độc tố này sẽ ngăn cản quá trình tạo protein của tế bào, một quá trình quan trọng của một tế bào sống.
Hậu quả của việc không tạo được protein là tế bào sẽ chết. Người ta xác định lượng độc chất Diptheria Toxin có thể gây chết ở người là khoảng cỡ hoặc dưới 100 ng/kg (một người 50 kg có thể chết khi trong người có khoảng 5 microgram độc tố). Cơ tim và dây thần kinh ngoại biên là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất và dễ dẫn đến biến chứng chết người. Ngoài ra các biến chứng khác bao gồm viêm tai giữa và suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh.