Tắc trách "nhỏ" của BQL Vườn Quốc gia Hoàng Liên gây ra thiệt hại "lớn" tại dự án trồng cây sơn tra
Tràn lan sai phạm trong rừng cây Sơn tra tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên |
Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có bài viết phản ánh "Tràn lan sai phạm trong rừng cây sơn tra tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên". Theo đó, Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn nhiều thiếu sót về hồ sơ, hợp đồng, biên bản nghiệm thu… trong dự án trồng cây sơn tra trong khu vực phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Hoàng Liên, giai đoạn 2014-2018 do Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên làm chủ đầu tư.
Thiệt hại không nhỏ về rừng sơn tra
Theo bản kiểm tra chất lượng rừng thuộc dự án trồng cây sơn tra trong phân khu phục hồi sinh thái tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên từ năm 2014-2018 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai.
Sự đánh giá chưa đầy đủ sự tác động của những yếu tố ảnh hưởng tới dự án trồng cây Sơn tra của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã khiến cho nhiều diện tích rừng sơn tra bị ảnh hưởng. |
Về trồng rừng, đa số lô trồng rừng có tỷ lệ cây sống thấp, mật độ thiếu, cây chưa phân bố đều trên diện tích lô theo thiết kế. Có 21,62 ha không còn cây, trong đó, có 11,6 ha rừng trồng từ 3 năm tuối trở lên, đã hết thời gian kiến thiết cơ bản.
Chi cục Kiểm lâm kiểm tra phần lớn cây trồng sinh trưởng trung bình và kém, cây trồng trên lô sinh trưởng không đồng đều, do phải trồng dặm nhiều lần, đa số cây sơn tra có chiều cao và đường kính gốc chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Qua kiểm tra, hiện tượng sâu đục thân, nhiều cây đã bị chết trong khi chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Phần lớn diện tích lô trồng rừng sơn tra có diện tích nhỏ, phân tán với 254 ha/124 lô/34 khoảnh/12 tiểu khu thuộc 4 xã Bản Hồ, Tả Văn, Lao Chải, San Sả Hồ và có nhiều diện tích dưới 0,3 ha.
Về chăm sóc, bảo vệ rừng trồng chưa đúng với hồ sơ thiết kế được duyệt, chăm sóc rừng trồng không đủ lần, đúng thời gian, chưa đảm bảo kỹ thuật như không phát thực bì, rẫy cỏ, vun gốc cây dẫn đến nhiều lô thực bì rậm rạp, lấn át cây trồng, làm cho cây trồng chậm sinh trưởng hoặc bị chết.
Đa số các lô rừng trồng chưa được các bộ phận quản lý, bảo vệ chu đáo, dẫn đến tình trạng bị gia súc phá hoại. Nhiều lô các hộ nhận khoán tiếp tục sản xuất nương nhưng việc phát và đốt nương chưa đảm bảo kỹ thuật, gây hại đến cây trồng, thậm chí đốt cháy cả cây sơn tra.
Công tác quản lý yếu kém
Về công tác tổ chức thực hiện dự án trồng cây sơn tra của Ban Quản lý vườn Quốc gia Hoàng Liên, do chưa đánh giá đầy đủ tác động của các yếu tố khách quan như tình hình khí hậu thời tiết, thực trạng đất đai, tập quán sản xuất của người dân địa phương nên gặp khó khăn, ảnh hưởng bất lợi đến tiến độ, kết quả trồng rừng và hiệu quả của dự án.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên chưa thực sự quyết liệt chỉ đạo hộ nhận khoán khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được cơ quan chức năng kiểm tra hàng năm đã chỉ ra.
Không những vậy, cán bộ kiểm lâm địa bàn chưa thực hiện tốt trách nhiệm trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra và nghiệm thu kết quả các hộ nhận khoán thực hiện trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng theo hợp đồng.
Công tác phối hợp của Vườn quốc gia với cấp ủy, chính quyền các xã để triển khai thực hiện dự án chưa được thường xuyên, chặt chẽ nên chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đôn đốc, giám sát các hộ nhận khoán thực hiện đầy đủ hợp đồng trồng rừng.
Ngoài ra, nhiều hộ dân tham gia chưa nhiệt tình thực hiện trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng sơn tra. Việc trồng rừng sơn tra chưa có mô hình ở địa phương nên gia đình người dân còn thụ động, thiếu kinh nghiệm khi tham gia dự án.
Trước đó, theo biên bản kiểm tra ngày 16/7/2018 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai về kết quả trồng, chăm sóc rừng trồng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác của Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Giai đoạn từ năm 2014 đến 2017, Vườn Quốc gia Hoàng Liên chưa có báo cáo khắc phục những tồn tại và cũng chưa tổ chức chăm sóc rừng trồng với lý do hết kinh phí đầu tư.
(Còn nữa…)