Sức sống của nền kinh tế phụ thuộc vào "sức khoẻ" doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thành công tái cơ cấu nợ Amazon tung loạt công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu trực tuyến Cho vay doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp |
Sáng 20/10, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị biểu dương người nộp thuế tiêu biểu để ghi nhận và biểu dương những nỗ lực vượt khó và có đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước giai đoạn 2020 - 2022.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chúc mừng 138 doanh nghiệp tiêu biểu đã được biểu dương về những đóng góp hết sức tích cực cho nguồn thu ngân sách nước nhà trong giai đoạn 2020 - 2022, đặc biệt là sự chung tay, chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả, kịp thời về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài, thị trường trong nước và xuất khẩu đều bị thu hẹp, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng… khiến doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã phải đứng trước những thách thức chưa từng có.
Trong giai đoạn khó khăn này, thông điệp “Doanh nghiệp - động lực phát triển kinh tế của đất nước” luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và là mục tiêu và định hướng trong hầu hết các chính sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị biểu dương người nộp thuế tiêu biểu giai đoạn 2020 - 2022. |
Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những chính sách liên quan đến giãn, giảm, hoãn thuế, tiền thuê đất… để hỗ trợ kịp thời và giải quyết khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2022, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là hơn 507.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế được gia hạn là trên 352.000 tỷ đồng, và số tiền thuế được miễn, giảm là khoảng 155.000 tỷ đồng.
Năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 196.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3.500 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, với gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, Nhà nước đã phản ứng chính sách nhanh đưa ra các chương trình hỗ trợ hết sức kịp thời, đồng bộ và nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ đó đã góp phần quan trọng trong sự phục hồi, sự phát triển mạnh mẽ và đóng góp quan trọng thúc đẩy sự chuyển mình và cất cánh của nền kinh tế trong nước sau đại dịch.
Hơn thế, các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là những quyết sách dài hơi, có tầm nhìn xa trông rộng, bởi vì đổi lại, nhờ hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp có thêm vốn để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế vĩ mô tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Á.
Lãnh đạo Bộ Tài Chính cho rằng, một nền kinh tế mạnh phải có doanh nghiệp phát triển, sức sống của nền kinh tế phụ thuộc vào sức khoẻ doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp khoẻ sẽ đóng thuế, nộp bảo hiểm, trả nợ trái phiếu đầy đủ, ngược lại doanh nghiệp khó khăn, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách.
“Hiện nay, Việt Nam suy giảm tổng cầu. Muốn tăng tổng cầu phải có giải pháp giảm khó khăn cho doanh nghiệp, đáp ứng điều kiện cần để doanh nghiệp phát triển. Bộ Tài chính sẽ kiến tạo chính sách, hành thu và sẽ nỗ lực hết mình vì sự phát triển của đất nước trong tương lai”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.