SpaceX ‘nuôi’ giấc mơ vũ trụ của các công ty khởi nghiệp châu Á
SpaceX, NASA thực hiện thành công sứ mệnh không gian lịch sử Tên lửa đưa tro cốt người vào không gian với giá 5.000 USD/gram? |
Đồ họa tàu vũ trụ tư nhân Crew Dragon của SpaceX tách khỏi tên lửa đẩy đi vào vũ trụ. |
Ngày 31/5/2020, Nobu Okada ngồi dán mắt suốt 19 tiếng đồng hồ vào màn hình vi tính khi con tàu Crew Dragon của công ty tư nhân SpaceX rời khỏi bệ phóng ở Mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ, và lắp ghép thành công với Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Đó là một khoảnh khắc làm nên lịch sử: công ty vũ trụ của tỉ phú Mỹ Elon Musk đã phóng thành công tàu vũ trụ tư nhân đầu tiên vào không gian. Còn với Okada, và nhiều người như ông trong ngành công nghiệp vũ trụ thương mại đang bùng nổ ở châu Á, thì đó vừa là nguồn cảm hứng vừa là một thách thức.
“Tôi sẽ vượt xa hơn thế”, vị CEO 47 tuổi phát biểu với phóng viên Nikkei Asian Review.
Cơ hội trong khủng hoảng
Nhưng trong khi SpaceX đã ghi dấu mốc quan trọng trong ngành công nghiệp, thì những công ty tư nhân như Astrocale của Okada có thể còn xa mới đạt được điều đó.
Năm ngoái, các công ty khởi nghiệp (startup) vũ trụ trên toàn thế giới đã thu hút 5,7 tỉ USD đầu tư, tăng 61% trong vòng 1 năm và tăng gấp hơn 5 lần so với năm 2014, theo Bryce Space and Technology (một tổ chức tư vấn vũ trụ toàn cầu). Nhưng nguồn kinh phí đang đứng trước đe dọa bị thu hẹp do suy thoái kinh tế đột ngột bởi đại dịch COVID-10, và chỉ một số ít startup tìm được lối đi tới thành công thương mại. Các doanh nghiệp Trung Quốc còn phải đối mặt với trở ngại là những căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington.
“Vũ trụ nổi tiếng là khắc nghiệt. Nhiều công ty đã cố gắng làm những gì SpaceX đạt được, nhưng không thể thực hiện được trên mọi lối, kể cả về nghiên cứu - phát triển hay thương mại hóa”, Simon Gwozdz, nhà sáng lập Equatorial Space Systems, nói. Startup đặt trụ sở tại Singapore của ông đang nhắm mục tiêu phóng tên lửa tốc độ âm thanh mục đích thương mại đầu tiên ở Đông Nam Á trong khoảng tháng 10-12 tới.
Hai phi hành gia Mỹ trong một buổi tập dượt cho sự kiện bay lên trạm ISS trên tàu Crew Dragon. Ảnh: NASA |
Ông Gwozdz nói: “Trong thời kỳ khó khăn hiện nay, chúng ta sẽ chứng kiến người nào có công nghệ tốt hơn, cách tiếp cận thực tế hơn với thị trường sẽ tồn tại và xây dựng được công ty. Chỉ trong khủng hoảng, bạn mới chứng tỏ bạn quyết tâm đến thế nào với dự án”.
CEO Nhật Bản Nobu Okada cũng nhìn thấy một khoảnh khắc quyết định cho ngành công nghiệp. “Một doanh nghiệp không nên chuyển sang phòng thủ trong khủng hoảng. Họ nên coi đó như một cơ hội”. Công ty Astroscale của ông đã mua lại một startup của Israel hôm 3/6 nhằm đẩy mạnh lĩnh vực dịch vụ bảo trì vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất. Hơn nữa, Okada xem thành công gần đây của SpaceX như một dấu hiệu cho thấy dịch vụ của công ty đang có nguồn cầu lớn. “Nó nhấn mạnh rằng sứ mạng của chúng tôi về loại bỏ rác thải và bảo đảm không gian an toàn với các tàu vũ trụ sẽ trở nên quan trọng hơn”, ông nói.
Xem video tàu vũ trụ tư nhân Crew Dragon lắp ghép với Trạm Vũ trụ Quốc tế (Nguồn: NASA):
Thừa tham vọng, nhưng thiếu kinh phí
Mặc dù không thiếu tham vọng, nhưng việc tìm nguồn vốn cho lĩnh vực này từ nay trở đi được cho là khó khăn hơn. Chỉ riêng các công ty khởi nghiệp Nhật Bản đã thu hút 60 tỉ yen (560 triệu USD) vốn trong 5 năm qua. Tuy nhiên lúc này các nhà tài trợ truyền thống như hãng hàng không, công ty lữ hành đều hứng chịu đòn đánh nặng nề của đại dịch COVID-19 và không “mở lòng” với những dự án như vậy.
Tiếp đó là những rào cản kỹ thuật, cũng không hề nhỏ. Công ty Interstellar Technologies, ở Hokkaido (Nhật Bản), đã đối mặt với một bước lùi vào ngày 14/6 vừa qua khi vụ phóng thử nghiệm rocket lên quỹ đạo Trái đất của họ gặp thất bại. 5 ngày sau, công ty cho biết sẽ lên kế hoạch cho lần phóng lại ngay trong mùa hè này.
Interstellar đã phóng một tên lửa tốc độ âm thanh dài 10 mét lên vũ trụ hồi tháng 5 năm ngoái, nhưng vẫn chưa lặp lại được thành công đó. Chủ tịch công ty Takahiro Inagawa cho biết ông được truyền cảm hứng từ Space X- đặc biệt là từ nhà đồng sáng lập Tom Meuller. “Câu chuyện của ông ấy từ một chuyên gia tên lửa nghiệp dư đã tìm cách tự chế tạo quả tên lửa của riêng mình và thành công với một vụ phóng lịch sử sau 20 năm đã thực sự truyền cảm hứng. Điều đó có nghĩa chúng tôi cũng có thể làm điều tương tự”, ông Takahiro lạc quan nói.
Trong khi đó, các startup Trung Quốc cũng lấy cảm hứng từ thành công của SpaceX nhưng lại đi theo con đường riêng.
Một lý do quan trọng là vấn đề chính trị. Với hầu hết các startup vũ trụ, nguồn kinh phí chính là các hợp đồng phóng tên lửa. Kể từ năm 1990, Mỹ đã cấm bất cứ vệ tinh nào có chứa linh kiện do Mỹ sản xuất được phóng bởi Trung Quốc, với cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp công nghệ vũ trụ và tên lửa của Mỹ.
Trong bối cảnh công nghệ Mỹ đang thống trị ngành công nghiệp vệ tinh thì lệnh cấm trên đồng nghĩa các công ty vũ trụ Trung Quốc, cả tư nhân lẫn nhà nước, cơ bản đã bị khước từ tham gia thị trường quốc tế - theo Li Chao, nhà phân tích vũ trụ làm việc tại Thượng Hải.
Trong khi đó, thị trường vũ trụ nội địa Trung Quốc lại đang được thống trị bởi các doanh nghiệp nhà nước. Điều đó khiến những người chơi mới trong lĩnh vực tư nhân vật lộn để kiếm lợi nhuận. Đây là vấn đề lớn nhất với họ.
Đồ họa tên lửa OS-M của công ty vũ trụ tư nhân OneSpace, Trung Quốc. Ảnh: OneSpace |
Nhìn sang Mỹ, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama, NASA đã quyết định chuyển giao hoạt động vận chuyển lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp cho lĩnh vực tư nhân nhằm tập trung vào những sứ mạng tham vọng hơn, như đưa người lên sao Hỏa. SpaceX đã nhận những hợp đồng hàng tỉ USD từ NASA, trong đó có trên 3,1 tỉ USD quỹ phát triển để phóng tàu Crew Dragon vừa qua lên quỹ đạo. Họ cũng đảm bảo vài hợp đồng với NASA trong vòng 2 thập kỷ, bao gồm dịch vụ cung cấp hậu cần trị giá 1,6 tỉ USD ký năm 2008 cho ít nhất 12 chuyến bay. Gần đây nhất, hôm 30/4, ba công ty tư nhân gồm SpaceX, Dynetics và Blue Origin (thuộc sở hữu của tỉ phú Jeff Bezos, sáng lập Amazon) đã giành được dự án trị giá gần 1 tỉ USD của NASA nhằm hỗ trợ đưa người lên Mặt trăng vào năm 2024.
Trái lại, Trung Quốc tập trung cho các hoạt động thám hiểm vũ trụ của nhà nước. Dấu mốc mới nhất của họ là ngày 23/5 đã phóng thành công lên vệ tinh cuối cùng của hệ thống Bắc Đẩu 3, giúp hoàn thiện mạng lưới vệ tinh phủ kín Trái đất, đồng nghĩa Trung Quốc không còn phải lệ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ.
Tuy vậy, Trung Quốc hiện có trên 120 công ty vũ trụ tư nhân. Chỉ riêng trong mảng phóng tên lửa, đã có ít nhất 23 startip được thành lập từ năm 2014. Những người đi đầu trong lĩnh vự này gồm có i-Space, LandSpace, One Space, LinkSpace và Galactic Energy, đều ra đời sau năm 2015. Và chỉ trong vài năm họ đã thu hút hàng tỉ USD từ các liên doanh và nhà đầu tư chiến lược.
Trong số đó, i-Space trở thành công ty vũ trụ tư nhân đầu tiên phóng thành công một tên lửa lên quỹ đạo vào năm 2019. LinkSpace thử thành công một tên lửa tái sử dụng. “SpaceX giúp Trung Quốc nhận ra rằng chúng tôi đang bị bỏ đằng sau trong lĩnh vực phóng tên lửa”, chuyên gia Shiong tại Quỹ Phát triển Trung Quốc nói.