Spa tại nhà: “Học phí” đắt giá khi làm đẹp… bằng mọi giá
Làm đẹp cấp tốc đón Tết, nhiều chị em bị tai biến do tiêm filler ở spa Bắc Giang: Nhiều Spa dùng sản phẩm Iris trôi nổi để “điều trị” da cho khách hàng |
Khi quan tâm đến nhu cầu làm đẹp, người dùng dễ dàng tiếp cận các thông tin liên quan về cơ sở, kỹ thuật… phù hợp với nhu cầu, thông qua các hình thức quảng cáo trên Google, Facebook, Youtube… Phẫu thuật thẩm mỹ “Spa tại nhà” là một xu hướng khá phổ biến, đa dạng trong thời gian gần đây. Đã xuất hiện của nhiều cơ sở được đầu tư quy mô về hình ảnh, vị trí, quảng cáo… cho đến những cơ sở nhỏ ở các vùng ven, vùng nông thôn hay thậm chí là các trường hợp “thẩm mỹ viện di động” được thực hiện tại nhà. Sự đa dạng này thể hiện ở chi phí thực hiện các dịch vụ làm đẹp. Dịch vụ làm đẹp như cắt da thừa mí mắt có thể lên đến vài triệu, thậm chí vài chục triệu tại các cơ sở có uy tín, được cấp phép. Nhưng cũng có giá chưa đến một triệu đồng tại các cơ sở “spa tại nhà”.
Trên thực tế ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân gặp các biến chứng liên quan đến việc nghe và thực hiện một số thủ thuật làm đẹp như tiêm botox, filler, xăm và xóa xăm, xóa tẩy nốt ruồi,… do người quen giới thiệu mà không tìm hiểu kỹ về sự an toàn cũng như tính pháp lý của người thực hiện. Trong trường hợp này, bệnh nhân luôn là người chịu những tổn thất và thiệt thòi, đôi khi phải gánh chịu những hậu quả về thẩm mỹ, sức khỏe, tinh thần, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Thực chất bệnh viện thẩm mỹ và thẩm mỹ viện có sự khác nhau rất rõ ràng. Từ quy định ai được treo bảng thẩm mỹ viện hay bệnh viện thẩm mỹ đã thể hiện rõ sự khác biệt đó. Người đi làm đẹp ít khi chú ý đến điều này, dẫn đến những kết quả không mong muốn và rủi ro khó lường.
- Đối với các cơ sở thẩm mỹ, không cần giấy phép hoạt động của Sở Y tế, là những cơ sở thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Nhưng người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp (điểm d khoản 3 Điều 33 Nghị định 155/2018/NĐ-CP).
FILLER AI TIÊM CŨNG ĐƯỢC?
Nếu bỏ qua các mối nguy liên quan đến chất làm đầy trôi nổi, không đạt chất lượng, không an toàn thì việc tiêm filler cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người thực hiện thao tác tiêm filler phải được cấp chứng chỉ đào tạo, ngành nghề hoạt động tương ứng mới có thể thực hiện đúng, đẹp. Đảm bảo an toàn, phòng ngừa tai nạn, biến chứng cho bệnh nhân. |
Ngoài ra, theo quy định, loại hình cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không cần phải xin giấy phép hoạt động này phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
- Đối với các cơ sở thẩm mỹ phải có giấy phép hoạt động: Đó là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (khoản 5 Điều 23a Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế).
Khi lựa chọn một cơ sở dịch vụ để thực hiện nhu cầu làm đẹp, cần tìm hiểu, tra cứu thông tin từ những đơn vị quản lý, nguồn thông tin chính thống, thay vì tin theo một thông tin chỉ dẫn mang tính cá nhân cũng như những thông tin quảng cáo trên mạng. Dù ở hình thức nào thì người thực hiện hoạt động thẩm mỹ phải có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
Bất cứ hành vi nào tác động đến sức khỏe con người nói chung hay thẩm mỹ nói riêng, đều có thể tiềm ẩn những mối nguy hại khôn lường. Một loại thuốc có thể an toàn với hàng triệu người, nhưng vẫn có thể phát sinh phản ứng phụ nguy hiểm ở một hoặc một vài cá nhân dù trước đó chưa từng có lịch sử dị ứng thuốc. Không có biện pháp nào được xem là an toàn tuyệt đối. Đơn cử như thủ thuật tạo má lúng đồng tiền, bệnh nhân vẫn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, dị ứng thuốc, sốc thuốc, nhiễm bệnh… do dụng cụ không đảm bảo vô trùng.
Lời khuyên của thầy thuốc
- Lựa chọn cơ sở có giấy phép hoạt động, được cấp phép phù hợp lĩnh vực hoạt động. - Kiểm tra chứng chỉ hành nghề, danh mục kỹ thuật và các thông tin liên quan của cơ sở, kỹ thuật viên, bác sĩ sẽ thực hiện dịch vụ làm đẹp. - Liên hệ trực tiếp bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ và đã thực hiện cho mình, thay vì liên hệ trung gian thông qua tư vấn viên. - Sau khi thực hiện các dịch vụ làm đẹp nếu có bất cứ dấu hiệu khác với thông thường nào thì cần liên hệ ngay với bác sĩ thực hiện, để được kiểm tra, tư vấn và xử lý kịp thời trước khi những bất thường diễn biến phức tạp và nguy hiểm.. |
BS.CKII. VŨ HỮU THỊNH