Làm đẹp cấp tốc đón Tết, hiểm hoạ khôn lường

Để đón Tết, tâm lý mọi người đều muốn có một làn da, khuôn mặt hay vóc dáng xinh đẹp. Với tâm lý muốn đẹp nhanh, nhiều chị em đã dùng những sản phẩm kém chất lượng, chọn dịch vụ làm đẹp cấp tốc tại thẩm mỹ viện chui hay nghe theo những mẹo trên mạng mà vô tình rước hoạ vào thân.
Không để dịch bệnh lây lan, khan hiếm, thiếu thuốc dịp Tết Giáp Thìn Gia tăng tai nạn do pháo nổ tự chế dịp cận Tết Không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ người bệnh dịp Tết

Biến chứng khôn lường

Cuối năm thường là thời điểm vàng để làm đẹp, lượng khách hàng tại khoa thẩm mỹ của bệnh viện tăng gấp đôi. Các bệnh viện và trung tâm thẩm mỹ khác cũng ghi nhận lượng khách tăng hơn so với mùa khác. Dịch vụ thường được chọn là can thiệp không xâm lấn, không cần ăn kiêng hay nghỉ dưỡng dài ngày như tiêm filler, xóa nhăn, trẻ hóa da, căng da, nhấn mí, xăm lông mày, xăm môi, giảm mỡ bụng...

Nắm bắt nhu cầu và tâm lý muốn có diện mạo đẹp ngày Tết, các cơ sở thẩm mỹ cũng tung nhiều chương trình ưu đãi và mời chào như “làm đẹp cận tết không sưng tím, không đau”, “đẹp ăn liền”,… Nhiều cơ sở đưa ra mức giá giảm 50% cho dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, từ cắt mí, nâng mũi, tạo má lúm, cấy tóc cho đến hút mỡ, nâng ngực, nâng mông... Các dịch vụ trẻ hóa làn da như trị nám, tàn nhang, cấy mỡ, chi phí giảm sâu đến 70%. Đặc biệt, nhiều cơ sở cam kết sẽ hoàn tiền nếu không đem lại hiệu quả, khiến chị em càng bị thu hút. Chưa kể, các cơ sở thẩm mỹ còn mạo danh bác sĩ nổi tiếng để kiếm tiền, chuộc lợi,…

Theo BSCKII Nguyễn Tiến Thành - thành viên Hội Da liễu Việt Nam, trong vòng tháng 12/2023 và tháng 1/2024 bác sĩ đã tiếp nhận hơn 30 bệnh nhân bị biến chứng sau khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ chui, spa, quán cắt tóc. Mặc dù các chuyên gia cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có nhiều người không sợ. Thậm chí bệnh nhân còn giấu, không muốn chia sẻ cho bác sĩ biết là làm ở tình huống như nào, chỉ biết khóc khi hỏi nguyên nhân…

Hiện nay người thực hiện các kỹ thuật chăm sóc da ở một số spa, thẩm mỹ viện, quán cắt tóc thường đi học các khóa ngắn hạn chừng 3 - 4 tháng theo kiểu dạy nghề, sau đó về trực tiếp làm và quảng cáo tiêm meso; tiêm filler... Điều đáng nói, những nơi nhận đào tạo cũng không quan tâm trình độ đầu vào và kiểm tra kết quả đào tạo của học viên.

Mới đây, một bệnh nhân (17 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) vẫn chưa hết bàng hoàng khi bị mất thị lực mắt trái sau khi tiêm filler vào môi, cằm, mũi tại một spa “chui”.

Làm đẹp cấp tốc đón Tết, hiểm hoạ khôn lường
Thay vì đến các bệnh viện, trung tâm thẩm mỹ uy tín để làm đẹp, do thời gian gấp gáp, không ít chị em đã chọn những cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)

Đáng nói, khi khách hàng có triệu chứng bị đau đầu, chóng mặt, nôn ói, nhân viên spa “chui” không chuyển cấp cứu mà đã tự ý cấp thuốc cho bệnh nhân uống, khiến tình trạng biến chứng nghiêm trọng.

Bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Thảo, khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận được rất nhiều trường hợp biến chứng sau khi tiêm filler ở các cơ sở không được cấp phép, không chính thống, để lại những cái tai biến, biến chứng rất là nặng nề. Tôi có lời khuyên cho những người có nhu cầu làm đẹp là nên tới những cơ sở, bệnh viện uy tín, để được các bác sĩ có kinh nghiệm xem xét, có những chỉ định phù hợp”.

Theo Bác sĩ Tiến Thành, việc tiêm meso; tiêm filler; hay các thủ thuật xâm lấn cho dùng nhỏ chỉ được thực hiện tại cơ sở y tế được Sở y tế, Bộ Y tế cấp phép hoạt động, được phê duyệt danh mục kỹ thuật trong phạm vi hoạt động chuyên môn.

“Chỉ có một số cơ sở của Bộ Y tế như trường Đại học Y, bệnh viện da liễu,... mới được cấp mã đào tạo về chuyên ngành da liễu thẩm mỹ làm đẹp. Những cơ sở này mới đủ điều kiện được chứng nhận làm các thủ thuật tiêm filler, botox. Những người được phép tham gia khóa học đào tạo này phải là bác sĩ đa khoa, bác sĩ thẩm mỹ, da liễu… Do đó, các nhân viên ở spa, trung tâm làm đẹp, thợ cắt tóc, gội đầu không được học để thực hiện các thủ thuật này” -BS Tiến Thành nói.

Mua sản phẩm không rõ nguồn gốc

Làm đẹp cấp tốc đón Tết, hiểm hoạ khôn lường
Da mẩn đỏ, nhiều mụn mủ nếu ngưng bôi kem chứa corticoid

Vì muốn có làn da căng mịn, trắng đẹp để về quê đón tết nên chị P.T.N.O (40 tuổi, Mộc Châu đang làm việc tại Hà Nội) nghe lời người quen mua một lọ mỹ phẩm thảo dược thiên nhiên trên mạng với lời quảng cáo “Hiệu quả tức nhanh chóng sử dụng nguyên liệu thảo dược thiên nhiên nên an toàn cho làn da…” để bôi lên mặt.

Thời gian đầu sử dụng, da mặt chị O có cải thiện rõ rệt, trắng mịn, các vết mụn thâm biến mất. Tuy nhiên, sau 3 tuần, mặt chị bị sưng nề, đỏ rát kèm ngứa, lên mụn mủ. Quá hoảng sợ chị vội đến Bệnh viện Da Liễu để thăm khám.

Tại viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng do kem trộn có chứa corticoid. Tại thời điểm nhập viện da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn với chi chít mụn mủ. Bệnh nhân cũng được chẩn đoán: trứng cá do thuốc, da bị tổn thương do corticoid bôi.

Các bác sĩ cho biết đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp biến chứng, trong quá trình khám chữa bệnh bác sĩ gặp khá nhiều ca bệnh bị tổn thương, biến chứng: mỏng da, giãn mạch, sạm da do bôi kem trộn, kem gây độc tế bào để điều trị nám, mụn, trắng cấp tốc…

Tụê Uyên
Phiên bản di động