Sốt xuất huyết lan mạnh ở nhiều châu lục

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất và nguy cơ gây ra đại dịch. Thống kê của WHO cho thấy tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết trên toàn cầu tăng hơn 30 lần trong 50 năm qua.

Các ca mắc sốt xuất huyết tăng đợt biến

Tính từ đầu năm đến nay, Bangladesh đã ghi nhận hơn 200.000 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó hơn 1.000 ca tử vong do sốt xuất huyết, bao gồm 112 trường hợp là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống.

Theo Tổng cục Dịch vụ Y tế (DGHS) thuộc Bộ Y tế Bangladesh, số ca tử vong do sốt xuất huyết trong năm nay cao hơn so với số ca ghi nhận được trong mọi năm trước cộng lại kể từ năm 2000 - thời điểm quốc gia Nam Á này chứng kiến đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết đầu tiên.

Đợt dịch khiến các bệnh viện ở Bangladesh quá tải. Tại bệnh viện Shaheed Suhrawardy ở Dhaka, hầu hết bệnh nhân mắc sốt xuất huyết lần hai, lần ba.

Sốt xuất huyết lan mạnh ở nhiều châu lục
Bangladesh đang trải qua đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất trong lịch sử với hơn 1.000 ca tử vong trên tổng số hơn 200.000 bệnh nhân kể từ đầu năm (Ảnh: Reuters)

Ông Mohammad Rafiqul Islam, bác sĩ tại bệnh viện Shaheed Suhrawardy cho biết: “Hầu hết các trường hợp nhập viện đều mắc sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc 3, khiến cho tình huống trở nên phức tạp hơn. Nhiều người thậm chí chỉ đến bệnh viện khi tình trạng đã quá nghiêm trọng”.

Tại Ấn Độ, bang Maharashtra, tính đến cuối tháng 9 cũng ghi nhận hơn 21.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết và sốt rét trong đợt gió mùa này.

Tổng số ca nhiễm ở Châu Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay khoảng 3 triệu người, cao hơn bất kỳ thời điểm nào ở châu lục này kể từ năm 1980. Tại Mỹ tính đến cuối tháng 9 cũng có gần 900 người nhiễm. Trong khi Peru đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh ở hầu hết các khu vực.

Châu Âu gần đây ghi nhận số ca mắc tăng đột biến. Nhiều vùng ở Italy, Pháp đã xuất hiện dịch.

Một số nước ở Nam sa mạc Sahara Châu Phi như Cộng hòa Chad cũng đã báo cáo bùng phát dịch sốt xuất huyết. Guatemala đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia vì dịch sốt xuất huyết. Nepal từ đầu năm đến nay ghi nhận hàng chục trường hợp tử vong và hơn 21 nghìn ca bệnh ở 75 trong số 77 huyện toàn quốc.

Số ca mắc sốt xuất huyết kỷ lục do sự nóng lên toàn cầu?

WHO cảnh báo sốt xuất huyết và các bệnh khác do virus lây truyền qua muỗi như sốt chikungunya, sốt vàng da và Zika đang lây lan nhanh và nhiều hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nếu như vào năm 2000, thế giới chỉ ghi nhận khoảng 0,5 triệu ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2022, con số này đã tăng gấp 8 lần, lên 4,2 triệu trường hợp.

Theo Tiến sĩ Raman Velayudhan, chuyên gia thuộc Bộ phận Kiểm soát các bệnh nhiệt đới của WHO, khí hậu ấm hơn được cho là giúp muỗi sinh sản nhanh hơn và tạo điều kiện cho virus tồn tại trong cơ thể chúng.

Bên cạnh đó, sự di chuyển ngày càng tăng của hàng hóa và con người, quá trình đô thị hóa và các vấn đề liên quan đến vệ sinh là những yếu tố khác đằng sau sự gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết lan mạnh ở nhiều châu lục
Sốt xuất huyết không chỉ phổ biến ở các nước nhiệt đới mà lan ra toàn cầu (Ảnh: AFP)

Đối với trường hợp Bangladesh, các nhà khoa học cũng nhận định dịch sốt xuất huyết năm nay ở Bangladesh bùng phát do lượng mưa không đều và nhiệt độ cao hơn trong mùa mưa hàng năm đã tạo điều kiện sinh sản lý tưởng cho muỗi.

Quốc gia này thường ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng trong mùa mưa từ tháng 6 - 9 hằng năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, các bệnh viện ở Bangladesh tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh trong những tháng mùa đông ở mức cao kỷ lục.

“Điều này không chỉ xảy ra ở Bangladesh mà nhiều quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới đang đối phó với sự gia tăng của bệnh sốt xuất huyết trong năm nay”, ông Kabirul Bashar - Giáo sư chuyên ngành nghiên cứu động vật học tại Đại học Jahangirnagar ở Dhaka (Bangladesh) chia sẻ.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature: “Nhiệt độ ngày càng tăng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này bằng cách tạo điều kiện cho sự lây lan và lây truyền lớn hơn ở các khu vực có nguy cơ thấp hoặc hiện không có bệnh sốt xuất huyết ở Châu Á, Châu Âu, Bắc Mỹ và Australia”.

Bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu, các chuyên gia y tế cảnh báo muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hiện phát triển khả năng kháng thuốc diệt côn trùng ngày càng tăng ở Châu Á.

Nghiên cứu của Nhật Bản vào năm ngoái phát hiện quần thể muỗi từ một số quốc gia ở Châu Á trải qua một loạt đột biến khiến chúng hầu như không bị ảnh hưởng bởi một số hóa chất được sử dụng để diệt trừ.

Thả muỗi để chống sốt xuất huyết Thả muỗi để chống sốt xuất huyết

Tại Honduras, nơi có 10.000 người mắc sốt xuất huyết mỗi năm, Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới đang hợp tác với World Mosquito ...

Chế độ ăn sau khi khỏi sốt xuất huyết Chế độ ăn sau khi khỏi sốt xuất huyết

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 8.362 trường hợp mắc sốt xuất huyết, dự báo ...

Dịch sốt xuất huyết bùng phát ở nhiều quốc gia Dịch sốt xuất huyết bùng phát ở nhiều quốc gia

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ khi dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Bangladesh vào tháng 4, đến nay đã ...

Tuệ Uyên (tổng hợp)
Phiên bản di động