Sông, suối đang "chết mòn" vì ô nhiễm
Ô nhiễm môi trường biển đang ở mức báo động đỏ Không khí nhiều nơi ở mức rất có hại cho sức khỏe |
Điển hình, tại Hà Nội tình trạng ô nhiễm nước sông, hồ vẫn chưa cải thiện mà còn có dấu hiệu càng tăng. Các điểm ô nhiễm nặng nhất trên sông Tô Lịch là đoạn chảy qua phường Đại Kim (quận Hoàng Mai); khu vực Ngã tư Sở, đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy). Tại đây, có những thời điểm nước đen kịt, đặc quánh, mùi hôi thối nồng nặc và cá gần như không còn xuất hiện.
Tại Sông Nhuệ, sông Kim Ngưu cũng đang ô nhiễm nặng nề do người dân thường xuyên vứt rác xuống. Nằm trong kế hoạch được cải tạo nhưng hồ Linh Quang (quận Đống Đa) hằng ngày phải tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ các hộ dân. Thêm vào đó là tình trạng lấn chiếm khiến diện tích hồ ngày càng hẹp, mặt nước cạn dần. Rác sinh hoạt nổi trắng cả một khu mặt hồ cùng xác động vật và cá chết.
Ô nhiễm như những tế bào lạ cứ “di căn” hết dòng sông này sang dòng sông khác. Giấc mơ “úp mặt vào sông quê” giờ chỉ còn trong câu hát. Ảnh minh họa |
Đặc biệt, khu vực các sông, suối trên địa bàn TP.Biên Hòa và các huyện Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành thuộc lưu vực sông Buông, chất lượng nước mặt luôn ở tình trạng ô nhiễm nặng.Cũng tại sông Đồng Nai cũng đang bị ô nhiễm nặng. Suối Đaklua (huyện Tân Phú); các sông, suối trên địa bàn huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu thuộc lưu vực sông Thao và các sông, suối thuộc lưu vực sông Thị Vải chất lượng nước mặt đều không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt do các chất dinh dưỡng, hữu cơ và vi sinh tăng cao.
Điều này làm gia tăng nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bởi sông Đồng Nai hiện là nguồn cung cấp nước thô chính phục vụ xử lý thành nước sinh hoạt cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước là do các chất thải của con người, khu xí nghiệp, chế xuất, khai thác khoáng sản, dầu mỏ, dầu khí không xử lý xả trực tiếp vào nguồn nước, khiến nó bị ô nhiễm nghiêm trọng, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều vấn đề sức khỏe và cuộc sống của con người. Kể cả chất thải khu chế biến thủy sản, khu giết mổ, chế biến thực phẩm và hoạt động lưu thông với khí thải hóa chất cặn sau sử dụng cũng là tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
Theo thống kê, mỗi ngày có một lượng lớn rác thải sinh hoạt trong quá trình sinh hoạt, vệ sinh của con người từ các hộ gia đình, bệnh viện, khách sạn, cơ quan trường học thải ra môi trường mà không qua xử lý.
Thành phần cơ bản của nước thải sinh hoạt là các chất hữu cơ dễ bị phân hủy sinh học (cacbohydrat, protein, dầu mỡ, chất dinh dưỡng, chất rắn). Tùy theo mức sống và lối sống mà lượng nước thải cũng như tải lượng các chất có trong nước thải của mỗi người trong một ngày là khác nhau. Nói chung mức sống càng cao thì lượng nước thải và tải lượng thải càng cao. Do đó bệnh tật có điều kiện để lây lan và gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, nguyên nhân do các hoạt động nông nghiệp như chăn nuôi gia súc (nước tiểu gia súc, thức ăn thừa không qua xử lý) và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác (thuốc trừ sâu, phân bón từ các ruộng lúa, dưa, vườn cây, rau chứa các chất hóa học độc hại) có thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt.
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, đa số nông dân đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều gấp ba lần liều lượng khuyến cáo. Chẳng những thế, nông dân còn sử dụng các loại thuốc trừ sâu đã bị cấm như Thiodol, Monitor... Trong quá trình bón phân, phun xịt thuốc, người nông dân không hề trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động.
Hiện nay việc sử dụng phân hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật tràn lan trong nông nghiệp làm cho nguồn nước cũng bị ảnh hưởng. Lượng hóa chất tồn dư sẽ ngấm xuống các tầng nước ngầm gây ảnh hưởng tới lượng nước.
Các chất thải, nước thải, từ hoạt động sản xuất công nghiệp do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng phát triển kéo theo các khu công nghiệp được thành lập, do đó lượng rác thải, nước thải của các hoạt động công nghiệp ngày càng nhiều và chưa được xử lý triệt để thải trực tiếp ra môi trường hay các con sông, nguồn nước gây ảnh hưởng tới chất lượng nước hiện nay.
Theo các chuyên gia về tài nguyên nước, một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm là nguồn nước thải. Đối với nước thải sinh hoạt, hiện nay việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình còn rất hạn chế, chỉ có một số thành phố lớn mới có hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung nhưng cũng chỉ thu gom được một phần nhỏ lượng nước thải của thành phố còn lại hầu hết nước thải từ các hộ dân đều xả trực tiếp vào hệ thống cống, rãnh, sông ngòi gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở đô thị.
Để quản lý tốt công tác xả thải vào nguồn nước, các chuyên gia cho rằng, cần phải nghiên cứu cơ chế thực hiện việc thu tiền để xử lý nước thải gắn liền với thu tiền sử dụng nước hoặc thực hiện việc ký quỹ để thực hiện trách nhiệm xử lý nước thải theo quy định của pháp luật. Xây dựng hệ thống giám sát quốc gia để giám sát liên tục, tự động, trực tuyến hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả nước thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Định kỳ hằng năm hoặc khi cần thiết công bố công khai danh sách các cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin, truyền thông.
Đánh giá về chất lượng nước sông, hồ tại các đô thị, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, chất lượng nước ở hầu hết các con sông nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhất là các đoạn sông chảy qua các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Ở các sông, hồ, kênh rạch trong nội thành, nội thị, trị số hàm lượng các chất ô nhiễm của các thông số đặc trưng ô nhiễm hữu cơ đều vượt trị số giới hạn tối đa cho phép đối với nguồn nước”. Ông Hoàng Dương Tùng chỉ ra rằng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã làm gia tăng bệnh tật cho người dân tại các tỉnh thuộc lưu vực sông, đặc biệt là các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nguồn nước bị ô nhiễm. Theo các nghiên cứu và khảo sát của Liên minh Nước sạch, ô nhiễm nguồn nước (sông ngòi, ao hồ) tại Việt Nam đang có nguy cơ vượt mức kiểm soát. Gần như tất cả các dòng sông, đặc biệt là các dòng sông nhỏ đều đang ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh trong 20 năm qua và quá trình đó đã tạo ra những điểm ô nhiễm rất lớn và nguồn nước là nguồn bị ảnh hưởng lớn và rõ ràng nhất hiện nay. Đây là một thực trạng cấp thiết, đòi hỏi phải có những chính sách mới để giải quyết được vấn đề này. |