Số người mắc sốt xuất huyết tăng gấp 3, Bộ Y tế lập 8 đoàn kiểm tra

Hơn 100.000 người Việt đã mắc sốt xuất huyết theo lũy kế từ đầu năm đến nay, tăng gấp 3 so với bình quân hàng năm. Lo ngại trước tình hình dịch bệnh bùng phát, Bộ Y tế vừa ký quyết định lập 8 đoàn kiểm tra tại 20 tỉnh thành. 
Việt Nam sắp có vắc-xin phòng chống sốt xuất huyết Nóng trong tuần: Thiếu nữ tử vong vì sốt xuất huyết, hoại tử vì tiêm filler nâng mũi Đảm bảo đủ thuốc phòng, điều trị sốt xuất huyết Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh trong những tuần gần đây [Infographic] Phân biệt sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi Hơn 87.000 ca sốt xuất huyết, Bộ Y tế ra công điện khẩn

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận trên 105.000 ca mắc sốt xuất huyết. Đã có 10 người tử vong vì căn bệnh này mà gần nhất là thiếu nữ 15 tuổi ở Đắk Lắk.

Hiện đang bước vào cao điểm của dịch sốt xuất huyết, cộng với những diễn biến thời tiết nắng mưa đan xen khiến muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Đây là những yếu tố có thể khiến bệnh gia tăng và bùng phát trên diện rộng.

so nguoi mac sot xuat huyet tang gap 3 bo y te lap 8 doan kiem tra
Sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh. Ảnh minh họa

Trong các tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ.

Các tỉnh, thành phố có số ca mắc/100.000 dân cao nhất nước là Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Ninh Thuận và Đồng Nai.

Tại Hà Nội, thống kê của Sở Y tế cho thấy, trong tuần từ 22/7 đến 28/7, thành phố ghi nhận thêm 232 ca mắc SXH, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn lên 1.619 ca. Tính theo số mắc trên 100.000 dân hiện Hà Nội đứng thứ 36 trong cả nước với 15,8 trường hợp mắc/100.000 dân. Những quận, huyện có số ca ghi nhận cao trong tuần là: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thường Tín, Cầu Giấy, Thanh Trì.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký quyết định thành lập 8 đoàn công tác kiểm tra giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Theo đó, các đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra công tác triển khai kế hoạch hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết; hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, công tác chuyên môn về dự phòng, giám sát xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng; vai trò của chính quyền các cấp, huy động các ban ngành đoàn thể tham gia phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương; thu dung điều trị; truyền thông và đáp ứng chống dịch.

20 tỉnh, thành phố trọng điểm được đoàn kiểm tra là: Khánh Hòa, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh.

Bên cạnh đó, đoàn công tác còn đánh giá, nhận định tình hình và đề xuất Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh về các biện pháp kiểm soát sốt xuất huyết.

Để tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa có chỉ thị đề nghị giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch.

Theo đó, từ tháng 7 đến hết năm 2019, tổ chức 3 chiến dịch lớn diệt lăng quăng (bọ gậy) kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao và các địa điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện.

Song song với đó là tổ chức truyền thông vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng, các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt; tổ chức tốt việc thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân.

Ngoài ra, ngành y tế đảm bảo điều trị tại chỗ những trường hợp nhẹ, không chuyển tuyến khi không đúng chỉ định nhằm hạn chế quá tải ở bệnh viện tuyến trên, hạn chế lây nhiễm chéo và tử vong. Các cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới cộng tác viên cần được tập huấn về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán điều trị sốt xuất huyết.

Tại Hà Nội, tính từ đầu năm tới nay, toàn thành phố đã thực hiện được 1.018 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy với tổng số 2.473.618/2.596.357 lượt hộ gia đình được kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn diệt bọ gậy (đạt 95,3%); 16.076/16.549 khu vực công cộng, cơ quan, nhà trường, công trường xây dựng được kiểm tra (đạt 97,1%), đã phát hiện và loại trừ được 221.155 dụng cụ chứa nước có bọ gậy.

Các chiến dịch đã huy động 101.759 lượt người tham gia; trong đó: 11.321 lượt cán bộ y tế; 25.815 lượt cộng tác viên, 54.784 lực lượng khác tại cộng đồng...

Tổ chức 97 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi tại những xã, phường có nguy cơ cao với tổng số lượt hộ được phun là 126.606/146.485 hộ được khoanh vùng trong khu vực nguy cơ (đạt 86,4%); 157 công trường xây dựng, 1.088 cơ quan, xí nghiệp, trường học được phun hóa chất, sử dụng 1.002 lít hóa chất Hantox-200.

Huyền My
Phiên bản di động