Số lượng dự án FDI quy mô lớn tại Việt Nam còn khiêm tốn
Việt Nam khởi động đàm phán thương mại song phương với Mỹ Các ngân hàng có sức khỏe thương hiệu tốt nhất Việt Nam Việt Nam sẵn sàng đàm phán theo các đề nghị của Mỹ |
Phát biểu tại Diễn đàn thường niên Việt Nam Connect Forum 2025, chiều 23/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho rằng việc khai thác hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn FDI sẽ giúp đất nước tăng tốc, bứt phá cho giai đoạn tiếp theo đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng 2 con số.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.
Năm 2019, lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW để định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 với mục tiêu tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong thu hút vốn FDI, giúp Việt Nam thu hút được một thế hệ FDI mới có chất lượng cao hơn, qua đó đóng góp hiệu quả hơn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung phát biểu tại diễn đàn. |
Qua hơn 5 năm triển khai Nghị quyết, hoạt động đầu tư nước ngoài đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 42.700 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 510 tỷ USD, nằm trong top 15 quốc gia đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được các chuyên gia đánh giá còn rất tiềm năng đối với cộng đồng đầu tư quốc tế, dư địa để hấp thụ thêm nguồn vốn FDI vào nhiều lĩnh vực phục vụ cho chiến lược dài hạn của đất nước còn rất lớn khi chúng ta có 7 triệu lao động có tay nghề, độ tuổi trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất đáng khích lệ đã đạt được, hoạt động thu hút đầu tư vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa thực sự đáp ứng những kỳ vọng đề ra tại Nghị quyết 50. Giải ngân vốn FDI dự kiến đạt ngưỡng thấp của mục tiêu đề ra, chỉ khoảng hơn 100 tỷ USD so với mục tiêu 100-150 tỷ USD giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, quy mô dự án thực tế còn chậm cải thiện, số lượng dự án quy mô lớn còn khiêm tốn. Các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn rất khó thu hút FDI. Vốn theo đối tác đầu tư chưa đa dạng hoá, không có nhiều thay đổi, các dự án lớn, chất lượng cao đến từ Mỹ, EU chưa nhiều. Số lượng dự án FDI công nghệ cao còn thấp xa so với mục tiêu Nghị quyết là tăng 50% vào năm 2025.
“Mặc dù khu vực FDI đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm với hơn 5 triệu lao động nhưng chủ yếu vẫn là lao động phổ thông. Bên cạnh đó, mức độ phụ thuộc cao vào khu vực FDI gây lo ngại về tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Việt Nam trước biến động từ bên ngoài, tính liên kết với khu vực trong nước còn yếu, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, chậm được cải thiện, chủ yếu lắp ráp, hiệu ứng lan tỏa về năng suất, công nghệ chưa cao”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, tình hình thế giới đang có nhiều “thay đổi có tính thời đại”. Đặc biệt trong bối cảnh chính sách thuế mới của Mỹ tác động lớn đối với sự chuyển dịch dòng vốn FDI thế giới. Ở trong nước, Việt Nam đang đứng trước “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là mệnh lệnh, là trách nhiệm đối với dân tộc và thời đại. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đang triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ triệt để những điểm nghẽn về thể chế - khâu được coi là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đồng thời thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy từ Trung ương đến địa phương; khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn FDI để tăng tốc, bứt phá cho giai đoạn tiếp theo đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng 2 con số.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách thể chế theo đúng tinh thần chỉ đạo, từ khâu thuế, hải quan, thủ tục hành chính, hiện đại hoá các thủ tục hành chính, đóng góp cho việc giảm thời gian, chi phí doanh nghiệp...
“Chúng tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ và đồng hành của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Sự tin tưởng, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước chính là chìa khóa để mở ra những chân trời phát triển mới”, ông nói.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công.