Bộ Ngoại giao cập nhật đàm phán thương mại Việt Nam - Mỹ

Các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ về chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang được triển khai và thông tin cụ thể sẽ cung cấp sau.
Thủ tướng chia sẻ quan điểm về đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc Quyết liệt các giải pháp thúc đẩy nông lâm thuỷ sản Mỹ vào Việt Nam

Chiều 15/5, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Phạm Thu Hằng đã cập nhật về việc tình hình đàm phán thương mại Việt Nam - Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực để thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại cân bằng bền vững với Mỹ trên tinh thần hiệu quả, thẳng thắn, xây dựng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và mang lại kết quả lợi ích cho cả hai bên.

Các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ về chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang được triển khai và thông tin cụ thể sẽ cung cấp sau.

Trước đó, tại buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, ngày 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại với các đối tác, doanh nghiệp, trong đó có đối tác, doanh nghiệp Mỹ trên tinh thần hiệu quả, thẳng thắn, xây dựng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, mang lại kết quả, lợi ích cho cả 2 bên.

Bộ Ngoại giao cập nhật đàm phán thương mại Việt Nam - Mỹ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.

Điểm lại hành động cụ thể của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển thương mại cân bằng, bền vững với Mỹ, Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã chủ động giải quyết các quan tâm của phía Mỹ và doanh nghiệp Mỹ; kiên quyết đấu tranh, chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái; tích cực cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, giảm chi phí thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với nỗ lực của Việt Nam trên tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện", Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, Đại sứ quán Mỹ có tiếng nói tích cực với chính quyền Tổng thống D.Trump về nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, để phía Mỹ có giải pháp tốt nhất trong các giải pháp có thể trong thúc đẩy hợp tác thương mại cân bằng, bền vững với Việt Nam, trên tinh thần hai bên cùng có lợi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; hai bên sớm đạt được thỏa thuận về thuế quan có lợi cả trước mắt và lâu dài cho cả hai bên, vì lợi ích Nhân dân, doanh nghiệp hai nước, hai đất nước, hai dân tộc; cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tiếp tục phát triển, bởi hai bên từng có kinh nghiệm để vượt qua các khó khăn, thách thức trước đây.

Thủ tướng cho biết, trước những khó khăn liên quan căng thẳng thương mại toàn cầu, Việt Nam xác định tình hình lúc nào cũng có những khó khăn, thách thức, không hoang mang, lo sợ và cũng không chủ quan, lơ là mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh xử lý các vấn đề liên quan tới Việt Nam.

Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.

Đồng thời phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, Việt Nam coi đây là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế để phát triển nhanh, bền vững, tái cấu trúc thương mại theo hướng cân bằng, bền vững với tất cả các đối tác trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, không ảnh hưởng tới nước thứ ba; thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Việt Nam đang tổ chức thực hiện "bộ tứ chiến lược" về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, về xây dựng và thực thi pháp luật, về phát triển kinh tế tư nhân. Việt Nam đang xây dựng Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế; thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, với thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nguồn nhân lực thông minh.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và động lực của sự phát triển, Việt Nam đang xây dựng bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, chuyển bộ máy chính quyền từ trạng thái thụ động sang chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp, thiết lập các trung tâm hành chính công, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện thủ tục trên môi trường mạng và không phân biệt địa giới hành chính, từ đó phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quan điểm: "Chính phủ giữ vai trò kiến tạo; người dân và doanh nghiệp là trung tâm; thể chế là động lực; hạ tầng là nền tảng" để "cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển". Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Mỹ để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư, kinh doanh hiệu quả bền vững tại Việt Nam.

Hậu Lộc
Phiên bản di động