Sinh viên ngành may: Chưa ra trường đã đắt “show”
Sinh viên Bách khoa sáng tạo máy nhắc uống thuốc tặng bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng Sinh viên tình nguyện “thay áo mới” cho làng quê Tìm kiếm “Thủ lĩnh sinh viên toàn quốc” xuất sắc |
Học, làm thêm, lương vẫn cao
Đã nhiều tháng nay, chị Nguyễn Hương Giang – chủ chuỗi thời trang tại Hà Nội “cất công” tìm các sinh viên học về ngành may mặc để phối hợp công việc cắt may và kinh doanh cho hệ thống cửa hàng. Chị đến tận các trường may đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội, thậm chí đăng cả thông tin lên mạng xã hội nhưng việc tìm kiếm vẫn rất khó khăn.
Chị Giang cho biết: Sở dĩ thích tìm các bạn sinh viên ngành may để phối hợp công việc là do họ được học hành, hiểu biết về kỹ thuật may mặc. Ngành may từ trước đến nay phần lớn là làm theo năng khiếu, học nghề kiểu thủ công.
“Các bạn sinh viên trẻ, có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, thị trường, nắm mắt “gu” thẩm mỹ nhanh nên tôi tin họ làm tốt công việc của mình. Hơn nữa, về thời trang, tôi nghĩ nên kết hợp với các bạn trẻ vì thanh thiếu niên giờ cũng đang là “thị trường vàng” trong lĩnh vực may mặc. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng “trải thảm đỏ đón nhân tài”, tôi vẫn chưa tìm được “cộng sự”, chị Giang nói.
Đồ án của sinh viên khoa Thiết kế Thời trang, trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội |
Theo số liệu điều tra của trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, sinh viên ra trường có khoảng trên 80% có việc làm ngay, sau 2 tháng là 93%. 5% sinh viên tự lập nghiệp, mở trung tâm dạy nghề hoặc xưởng, doanh nghiệp nhỏ.
Chị Đoàn Hà, nhân viên Phòng Tuyển sinh và Truyền thông của trường ĐH Công nghiệp Ddệt may Hà Nội cho biết, sinh viên ngành may tại trường hầu hết đều vừa đi học, vừa đi làm ngay từ năm thứ nhất với mức thu nhập khá cao. Nhiều em có không ít sự lựa chọn dù chỉ là việc làm thêm ngoài giờ học. Vấn đề việc làm đối với sinh viên ngành may mặc của nhà trường không đáng lo, bởi hiện nay trường liên kết với gần 50 doanh nghiệp dệt may và đào tạo theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Bạn trẻ Nguyễn Thu Hoài, sinh viên năm thứ 3 khoa Công nghệ may của trường, cho biết: “Tôi đã đi làm thêm từ năm thứ nhất, làm luôn tại xưởng may của giảng viên trong trường. Cứ học xong, rảnh lúc nào cũng có thể ra làm được. Vừa nâng cao tay nghề vừa kiếm thêm thu nhập. Hiện tại tôi cũng được một số đơn vị mời đi làm nhưng tôi từ chối. Làm ở đây thời gian thoải mái, lại ngay gần trường, không phải đi lại vất vả. Điều thích nhất là bất cứ lúc nào rảnh đều có thể làm thêm được”.
Bạn Trần Thị Trinh, sinh viên năm thứ 3 của Khoa Công nghệ may cũng đi làm thêm từ năm thứ nhất, đến giờ tay nghề tương đối tốt. Trinh có thể tự tin ra trường đi làm bất cứ đơn vị nào.
“Với mình thu nhập từ việc làm thêm khi còn đang đi học không quan trọng bằng việc mình học và thực hành được tay nghề. Đi làm thêm sẽ biến lý thuyết thành kiến thức của mình ngay sau khi học trên lớp”, Trinh nói.
Thành công từ chăm chỉ và đam mê
Không chỉ có việc làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều bạn sinh viên, sau một thời gian ngắn đã tự lập sự nghiệp cho mình từ tay nghề vững chắc.
Nguyễn Văn Luân, Giám đốc Trung tâm dạy cắt may thời trang Duy Luân là cựu sinh viên của trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ra trường, hai năm đầu, chàng trai trẻ đã lên kế hoạch chi tiết về hướng phát triển bằng chính tay nghề và sự đam mê của mình.
Nguyễn Văn Luân, Giám đốc Trung tâm dạy cắt may thời trang Duy Luân miệt mài với công việc |
Sau khi học xong, Luân xin vào chuyền may tại công ty của nhà trường. Trải qua vài tháng làm công nhân, tay nghề vững, cậu định hướng tiếp theo là tự học nâng cao tay nghề để làm riêng.
“Làm ở trường một thời gian, tôi tự mày mò học, nâng cao tay nghề… rồi có bạn bè đã thành đạt mở lớp dạy may, biết tiếng của tôi khi còn đang đi học nên mời về làm cùng. Làm được hơn một năm, tôi tự tách ra mở trung tâm đào tạo riêng tại quận Hoàng Mai. Tính từ khi ra trường đến ngày tôi mở Trung tâm dạy cắt may thời trang Duy Luân tròn 2 năm”, Luân nói.
Từ khi mở đến nay, trung tâm luôn duy trì khoảng 20 học viên, trong đó có người mới, người học nâng cao... Thu nhập trung bình của chàng trai trẻ khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng.
Nguyễn Văn Luân hướng dẫn học viên thực hành |
Ở cương vị là một người khá thành công trong công việc của mình, Nguyễn Văn Luân đưa ra lời khuyên đối với sinh viên ngành may mặc: “Bạn nào xác định bước chân vào trường để học may mặc thì có thể khởi đầu hơi khó một chút vì đây là nghề tay quen, kết hợp với sự kiên trì. Nếu các bạn chăm chỉ, cần cù thì sẽ chiến thắng, còn bạn nào dễ nản thì kết quả nhận được gần như bằng không.
Tôi cho rằng, các bạn đang học cần tập trung, thực hành nhiều, đặc biệt là năng tiếp xúc với người giỏi hơn mình. Các thầy cô càng nghiêm khắc bao nhiêu thì mình càng nghiêm túc học và tận dụng triệt để thời gian để thực hành. Quan điểm của tôi là luôn nhìn vào người thành đạt và giỏi hơn mình, đó là động lực để phấn đấu”.
Cũng theo Luân, sinh viên hiện nay nhiều việc và được trả lương cao, các bạn trẻ đừng tiêu tiền lãng phí mà hãy dành tiền đó mua vải để thực hành thì tốt cho nghề hơn.
Mùa tuyển sinh năm nào cũng là mối băn khoăn cho các gia đình và hàng ngàn bạn trẻ do “không biết mình thích gì”, “chọn học gì để không thất nghiệp”, “học gì để ra trường khởi nghiệp được ngay”… thì bài viết này hy vọng sẽ giúp phần nào giải đáp mối lo lắng đó.