Sinh viên chật vật vì giá nhà trọ tăng phi mã

Thời điểm sinh viên nhập học và trở lại trường sau kỳ nghỉ hè cũng là lúc phí dịch vụ, giá phòng thuê trọ tăng đột biến. Điều này khiến nhiều sinh viên tại Hà Nội trở nên khó khăn, chật vật hơn trong sinh hoạt...
Sinh viên lo lắng khi bị giới hạn thời gian làm thêm Nỗi lo cháy nổ vẫn ám ảnh sinh viên thuê trọ

Giá phòng trọ tăng 500 nghìn - 1 triệu đồng/tháng

Đến hẹn lại lên, tại Hà Nội, bắt đầu từ tháng 8 tới tháng 9 là khung thời gian sinh viên quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè. Trước thềm năm học mới, nhu cầu thuê nhà trọ của sinh viên tăng cao. Năm nay, giá thuê phòng trọ và các dịch vụ đi kèm thậm chí tăng đột biến.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện phòng trọ ở khu vực Thanh Xuân gần các trường đại học như: Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội… có giá cho thuê khoảng 2,7 triệu đồng/phòng 15m2, chung chủ; 3 triệu đồng cho phòng riêng khoảng 20-25m2, đủ để 1-2 sinh viên ở; từ 3,5 – 4 triệu đồng cho phòng từ 30m2 chưa kể điện nước... Điểm trọ xung quanh các trường đại học đến hiện tại hầu hết đã hết phòng.

Sinh viên chật vật vì giá nhà trọ tăng đột biến
Bạn Nguyễn Việt Anh đi tìm nhà trọ đến tận đêm khuya

Ngay khi nhận được thông báo chính thức của nhà trường về thời học tập trở lại sau kỳ nghỉ hè, bạn Nguyễn Việt Anh, 19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã gấp rút “xách xe” dong duổi khắp mọi ngóc ngách quanh khu vực trường bán kính 5km quay đầu để tìm phòng trọ.

Việt Anh tâm sự: “Năm ngoái, em tìm phòng trọ sát ngày nhập học, rút kinh nghiệm, năm nay em chủ động tìm phòng trọ sớm hơn với mong muốn tìm được căn phòng gần trường, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, dù đã tham khảo khắp nơi từ Google, Facebook, app phòng trọ… nhưng việc tìm trọ vẫn rất khó khăn vì giá năm nay quá cao, chỗ rẻ hơn chút thì lại cách trường đến gần chục km nên em vẫn đang tham khảo thêm rồi mới đưa ra quyết định”.

Khác với mọi năm, việc lo lắng tìm nhà trọ chủ yếu ở các bạn sinh viên năm nhất, năm hai thì năm nay, Nguyễn Phạm Nhật Linh, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đang chật vật tìm kiếm nhà trọ phù hợp.

Kỳ nghỉ hè năm ba kết thúc, Nhật Linh về quê thực tập nên trả lại phòng trọ, dù đã đặt kèo trước, nhưng vì nhu cầu khách thuê lớn nên bác chủ trọ cũ đã để phòng cho người khác thuê.

Đến nay, dù đã nửa tháng trời tá túc nhờ nhà bạn, hằng ngày đều đặn lên mạng tìm kiếm phòng trọ nhưng Nhật Linh vẫn chưa thể tìm được phòng vì giá chênh lệch lớn, dao động khoảng 500.000 – 1.000.000 đồng so với trước đây.

"Nếu trước đây, mỗi tháng em phải chi trả 3 triệu tiền phòng, thêm tiền điện, nước, dịch vụ khác thì bây giờ, chi phí sẽ phải chạm ngưỡng 4 triệu rưỡi. Em đi làm thêm mỗi tháng cũng chỉ được 3-4 triệu nên em không thể chi trả nổi số tiền trọ lớn như vậy", Nhật Linh bày tỏ.

Sinh viên chật vật vì giá nhà trọ tăng đột biến
Nguyễn Phạm Nhật Linh vẫn đang tá túc nhờ nhà bạn vì chưa thể tìm được phòng trọ

Theo chia sẻ của nữ sinh, nhiều nơi quảng cáo giá phòng trên web và mạng xã hội chỉ từ 1,8 tới 2,3 triệu đồng, nhưng khi tới xem thì chủ trọ bảo phòng đó đã có người thuê hoặc trực tiếp đẩy lên 3 - 4 triệu đồng.

Lý do chủ trọ đưa ra khi tăng giá là vì nhà trọ đã trang bị đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) như cửa chống cháy, bình cứu hoả… nhưng theo quan sát của Nhật Linh, đó có lẽ chỉ là cái cớ để họ đẩy lên, vì nhiều nhà trọ vẫn không có lối thoát hiểm. Có nhà trọ tuy đã lắp được cánh cửa chống cháy ở lối ra vào nhưng muốn thoát được khi cháy thì phải đi qua nhà xe với tình trạng "nhồi nhét" xe chật cứng, khó có thể mở cửa, điều này khiến Nhật Linh vẫn không thể yên tâm.

Tồi tệ hơn, sau khi giá phòng trọ tăng 50%, Hoàng Quang Tuấn (sinh viên năm ba, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) phải rủ bạn về ở cùng, chia sẻ không gian trong căn phòng cơi nới chưa đến 6m2 nằm ở tầng lửng trong con phố Hoàng Văn Thái, Hà Nội.

Quang Tuấn đã ở căn phòng này hơn 2 năm nay, ngày đi học, tối chạy grab nên mong muốn duy nhất của Tuấn cũng chỉ cần đêm về có chiếc giường nằm ngủ. Nam sinh cho biết, năm ngoái, giá phòng chỉ khoảng 1,3 triệu đồng nên Tuấn có thể chi trả một mình, nhưng năm nay, chủ nhà trang bị thêm bình cứu hoả, lắp cửa chống cháy nên tăng giá phòng lên 2,6 triệu đồng, chưa gồm phí dịch vụ.

Sinh viên chật vật vì giá nhà trọ tăng phi mã
Căn phòng cơi nới của Hoàng Quang Tuấn và bạn chỉ vỏn vẹn khoảng 6m2

Biết rằng thời điểm này tìm trọ là rất khó khăn nên Quang Tuấn rủ bạn thân về ở cùng để chia tiền phòng, vị trí thuận tiện cho việc di chuyển học tập nên cậu bạn không muốn chuyển đi.

"Từ ngày bạn đến ở cùng, chúng em chen chúc nhau trong căn phòng cơi nới, cả hai không dám than gì mà chỉ âm thầm chấp nhận để giá thuê rẻ hơn", Tuấn bộc bạch.

Vì đâu giá thuê trọ Hà Nội bị đẩy lên đắt đỏ?

Từ đầu năm đến nay, nhiều chủ nhà tăng giá phòng thuê trọ 10-15%, tập trung ở quận trung tâm như Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân...

Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, anh Đỗ Hải Hà, chủ nhà trọ trên địa bàn Thanh Xuân nói: “Mọi người cứ nghĩ là học sinh các tỉnh đổ xô về Hà Nội đông hơn nên giá nhà cho thuê tăng cao, nhưng thực tế, nguyên do khiến giá phòng tăng mạnh là do làn sóng các công ty thầu và cho thuê lại. Thử nghĩ mà xem, thuê chủ nhà phòng 2 triệu đồng rồi sắm tủ lạnh, điều hòa, giường tủ... Sau đó, họ nâng cấp lên thành chung cư mini rồi cho thuê với giá 3,5 đến 4 triệu đồng (chưa tính phí dịch vụ thang máy, vệ sinh...) thì tăng giá phòng là đương nhiên. Đây là mảnh đất màu mỡ của các công ty thầu và cho thuê lại với giá cắt cổ mà việc quản lý giá thuê nhà trọ ở Việt Nam chưa có chế tài cụ thể nên cũng rất khó".

Sinh viên chật vật vì giá nhà trọ tăng đột biến
Những căn phòng trọ thoáng, đẹp thì có giá rất cao

Đồng quan điểm với anh Đỗ Hải Hà, anh Nguyễn Hải Long, chủ trọ tại phường Khương Mai chia sẻ thêm: “Cung tăng kéo theo cầu tăng, sau kỳ nghỉ hè sinh viên thường nháo nhác đi tìm phòng trọ nhiều vì vậy hiển nhiên nhà trọ sẽ tăng. Đặc biệt, thời gian gần đây các chủ nhà trọ liên tục bị thanh kiểm tra sau các vụ cháy nghiêm trọng tại Hà Nội và bắt buộc chúng tôi phải đầu tư thêm hệ thống PCCC, chi phí lắp đặt sắm sửa thiết bị cũng sẽ tính vào giá thuê nhà, nên buộc phải tăng giá cho thuê".

Cùng đó, thời điểm đầu năm học thường là giai đoạn vật giá leo thang, bởi đây là thời điểm chu kỳ kinh doanh mới bắt đầu, sinh viên quay trở lại học tập, kéo theo nhu cầu thuê tăng, dẫn đến tiền thuê nhà tăng mạnh.

Cẩn trọng kẻo "dính bẫy"

Trên thực tế, nhiều sinh viên vì để giảm chi phí nên thường tìm người ở ghép chung để chia tiền, song, nhan nhản trên các hội nhóm là nhiều nhân vật mạo danh.

Không ít người khi đi xem phòng trọ được đưa đến các phòng giá thấp với đầy đủ tiện nghi như phòng sạch đẹp, có chìa khóa riêng, có wifi và giữ xe cho người thuê, gần trường, chợ... Thế nhưng, khi khách đồng ý thuê lại không được ký hợp đồng thuê nhà mà phải đặt tiền cọc để giữ phòng. Sau đó đối tượng hẹn người thuê đến ký hợp đồng nhận phòng vào một ngày khác.

Nếu người thuê ngỏ ý muốn ký hợp đồng ngay lúc đó đối tượng sẽ lấy lý do như người thuê trọ cũ chưa chuyển. Tiền đặt cọc thường từ 500.000 đến vài triệu đồng, có hợp đồng nhận tiền cọc đầy đủ trông chuyên nghiệp và đáng tin.

Tuy nhiên, những điều khoản trong giấy nhận tiền cọc có rất nhiều vấn đề, nếu không cẩn thận xem kỹ thì người thuê dễ dính bẫy.

Ngoài ra, một số người bị "cò” môi giới phòng trọ dẫn đến xem phòng nhưng đối tượng không phải là chủ trọ, cũng không phải là quản lý toà nhà, không liên quan gì đến phòng trọ.

Vì vậy, để yên tâm nhất, đối tượng sinh viên đi thuê trọ cần tìm hiểu thông tin về nơi định thuê thật kỹ càng bằng cách tra thông tin số điện thoại, địa chỉ cho thuê... trên mạng để kiểm tra xem có phải lừa đảo hay không? Ngoài ra, sinh viên cần tham khảo ý kiến người dân xung quanh về chủ trọ, khảo sát an ninh về khu vực cho thuê trọ.

Một trong những vấn đề quan trọng nhất khi quyết định ký hợp đồng đặt cọc là đừng nên lười đọc hợp đồng. Trong hợp đồng cần phải ghi rõ ngày giờ đặt cọc, ngày giờ ở, số phòng, mô tả. Người thuê nhà có thể chụp lại căn phòng định thuê gửi qua Zalo, Facebook cho chủ nhà để xác nhận.

Nếu người thuê nhà bị lừa đảo, trong trường hợp cần thiết có thể báo lên cơ quan chức năng như công an phường, UBND phường nơi có bất động sản cho thuê.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động