Cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên các ngành STEM

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Nghị quyết nhấn mạnh việc cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên, học viên các ngành STEM, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao.
Tổng kết và trao giải Ngày hội CNTT và STEM ngành Giáo dục Thủ đô

Cụ thể, Nghị quyết nhấn mạnh: Xây dựng và triển khai các chính sách phát hiện và bồi dưỡng tài năng STEM từ sớm, quy hoạch và đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu về khoa học tự nhiên.

Cùng với đó là rà soát, sửa đổi các quy định về chính sách cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên, học viên các ngành STEM phục vụ phát triển công nghệ chiến lược, những người tham gia các chương trình đào tạo kỹ sư an ninh mạng, vật liệu tiên tiến từ nguồn ngân sách nhà nước.

Chính phủ cũng yêu cầu triển khai các chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ tài năng trong các ngành khoa học cơ bản, các ngành kỹ thuật và công nghệ then chốt phục vụ phát triển công nghệ chiến lược…

Cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên các ngành STEM
Nghị quyết nhấn mạnh việc cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên, học viên các ngành STEM, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao.

Nhiệm vụ quan trọng khác là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ để xây dựng các cơ sở khoa học nhằm trợ giúp việc ra quyết định trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng mô hình trung tâm giám sát điều hành thông minh nhằm tăng cường quản lý công, nâng cao hiệu lực quản trị, hiệu quả điều hành của các cấp chính quyền…

Đồng thời xây dựng kế hoạch để mỗi người dân có danh tính số, phương tiện số, kỹ năng số và tài khoản số, hình thành công dân số…

Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Trong đó có việc xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam theo nguyên tắc: Sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên; có phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam; có đầu tư Trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam với tỷ lệ 1% - 3% doanh thu…

Chính phủ cũng đặt ra nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cụ thể là đẩy mạnh hợp tác quốc tế đa phương, song phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tập đoàn đa quốc gia có trình độ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số phát triển, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Đồng thời, xây dựng đề án Việt Nam chủ động tham gia vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế; có cơ chế xây dựng đội ngũ chuyên gia tham gia vào các vị trí lãnh đạo các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, tham gia các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn của một số lĩnh vực liên quan đến phát triển công nghệ chiến lược…

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến...

Thái Sơn
Phiên bản di động