Singapore - quốc gia đi đầu về giải pháp giao thông đô thị

Lâu nay, ùn tắc giao thông vẫn là một “bài toán” nan giải trong quá trình đô thị hóa ở nhiều thành phố lớn trên thế giới. Chính phủ các nước đã đưa ra nhiều biện pháp để cải thiện khả năng di chuyển của người dân và Singapore được coi là một điển hình thành công trong lĩnh vực này.

Theo thống kê của Hiệp hội Sản xuất ô tô quốc tế, từ năm 2017 đến nay, doanh số bán vẫn ổn định ở mức gần 80 triệu xe/năm. Chính phủ các nước đã đưa ra nhiều biện pháp để cải thiện khả năng di chuyển của người dân và Singapore được coi là một điển hình thành công trong lĩnh vực này.

Singapore - quốc gia đi đầu về giải pháp giao thông đô thị
Hệ thống thu phí ERP giúp giảm đáng kể mật độ phương tiện giao thông cá nhân tại Singapore

Là một quốc đảo có diện tích rất nhỏ nhưng Singapore lại sở hữu mật độ dân số tương đối cao. Số lượng phương tiện giao thông của nước này cũng được xếp vào danh sách hàng đầu thế giới (khoảng 281 phương tiện/km), cao hơn Nhật Bản (63 phương tiện/km), Anh (77 phương tiện/km)... Đặc biệt, Singapore không có quỹ đất để mở rộng, phát triển giao thông như những quốc gia khác.

Đứng trước bài toán nan giải đó, từ đầu những năm 1980, chính phủ Singapore đã đề ra một loạt chính sách xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS), khoa học, bài bản bao gồm việc xây dựng, phân luồng đường, quản lý tắc nghẽn, quản lý sự cố...

Liên tục được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu xử lý tình huống giao thông, trung tâm ITS của Singapore ngoài công nghệ thu thập dữ liệu giao thông hiện đại tiên tiến, còn có thể giúp nâng cao trải nghiệm của người đi đường với tính tương tác thông minh, góp phần quản lý phương tiện, tăng cường khả năng tích hợp giữa phương tiện công cộng và hoạt động đường bộ.

Theo các chuyên gia Singapore, các vấn đề thường xuyên xảy ra như phương tiện gặp sự cố, tai nạn trên đường gây ra 60% số vụ tắc nghẽn tại các thành phố. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý đã sử dụng hệ thống tư vấn và giám sát đường cao tốc thông minh EMAS giúp thu thập thông tin, dữ liệu giao thông và phát hiện sự cố với các thiết bị phát hiện và qua các camera giám sát được lắp đặt trên đường. Khi có sự cố xảy ra, trung tâm điều hành sẽ phát tín hiệu đến các đơn vị liên quan, điều động xe khắc phục, đồng thời thông báo sự cố trên các bảng quảng cáo điện tử trên tuyến đường cao tốc để các phương tiện đang lưu thông tránh vị trí có sự cố nhằm giảm thiểu tắc nghẽn có thể phát sinh, tăng cường độ an toàn trên các tuyến đường.

Ngoài việc thiết lập hệ thống giao thông thông minh, Chính phủ Singapore còn đưa ra nhiều chính sách quản lý phương tiện đi lại cá nhân. Năm 1990, nước này ban hành quy định về kiểm soát quyền sở hữu ô tô thông qua hệ thống hạn ngạch. Người mua ô tô buộc phải trả phí để mua giấy chứng nhận quyền sử dụng không gian trên đường. Giá thành giấy chứng nhận được xác định bởi mật độ giao thông tại Singapore vào thời điểm đó. Vì vậy, phí mua giấy chứng nhận có lúc cao hơn cả giá trị của chiếc ô tô.

Tuy nhiên, biện pháp này cũng cho thấy một số hạn chế. Nhiều người cho rằng, vì họ phải trả một khoản chi phí cao cho việc lái xe, nên phải sử dụng xe của mình càng nhiều càng tốt, và do đó tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng hơn.

Năm 1998, Chính phủ Singapore đưa vào sử dụng hệ thống thu phí đường bộ công nghệ cao, gọi tắt là ERP. ERP hoạt động khá đơn giản. Người sở hữu ô tô cần lắp thiết bị thu phí (IU) trên phương tiện và nạp tiền trước. Khi xe đi qua ERP, số tiền phải trả sẽ được trừ tự động sau 10 giây. Phí ERP thay đổi hay không phụ thuộc vào mật độ, loại xe, thời gian và địa điểm giao thông.

Tại các trạm ERP, hệ thống camera theo dõi lưu lượng hoạt động của các phương tiện, lưu lại biển số xe và giám sát việc các xe có gắn thiết bị thu phí hay không. Trong trường hợp các xe “trốn vé”, trung tâm kiểm soát sẽ tiến hành phạt nguội, gửi thông báo cho lái xe. Nếu nộp phạt chậm trễ, số tiền phải nộp sẽ ngày càng tăng và người vi phạm có thể bị phạt tù. Nhờ hệ thống ERP, mật độ giao thông giảm 20%. Thành công của mô hình thu phí đường bộ tại Singapore đã được nhiều thành phố tại các quốc gia khác áp dụng như London (Anh), Toronto, Ontario (Canada), Milan (Italia)...

Song song với các biện pháp nói trên, chính phủ Singapore tăng cường hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, hệ thống tàu điện ngầm hiện đại với mục tiêu được xác định rõ, đó là phục vụ người dân di chuyển dễ dàng và tiết kiệm chi phí. Chiến lược này thể hiện rõ trong bản Kế hoạch tổng thể giao thông đường bộ (LTMP) được ban hành năm 2008 với mục tiêu “lấy người dân làm trung tâm”, bao gồm xây dựng thêm tuyến tàu, làn xe buýt, tuyến xe buýt, đồng thời Singapore còn chú trọng tới việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với lợi ích của việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Để tăng hiệu quả tuyên truyền, Singapore còn tận dụng sức ảnh hưởng của người nổi tiếng, những người có uy tín trong cộng đồng để thuyết phục mọi người thay đổi thói quen dùng xe cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê, có khoảng 65% dân số Singapore sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Tầm nhìn chiến lược của Singapore là đến năm 2030 bảo đảm tăng cường mạnh hệ thống giao thông công cộng, giảm thời gian di chuyển và 80% số hộ gia đình chỉ mất 10 phút đi bộ đến trạm xe công cộng. Đây được cho là bước đi hiệu quả để đưa “đảo quốc Sư tử” trở thành hình mẫu hàng đầu về giải pháp cho giao thông đô thị.

Thú vị nghề đầu bếp trên thế giới Thú vị nghề đầu bếp trên thế giới

Theo ông Ian Yeoman, Phó Giáo sư tại Trường quản lý đại học Victoria (New Zealand), với những quốc gia có nền ẩm thực đa ...

Nguồn: HàNộiMới
www.hanoimoi.com.vn
Phiên bản di động