‘Siêu thị muốn giải cứu nông sản nhưng không biết tìm hàng ở đâu’
Doanh nghiệp logistics giảm chi phí lưu kho 10-20% hỗ trợ tiêu thụ nông sản Hàng chục tấn dưa hấu “mắc kẹt” do Corona đã được người dân Hà Nội giải cứu |
Chiều 11/2, Bộ Công thương tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch virus corona. Tham dự có lãnh đạo sở công thương nhiều tỉnh thành có sản lượng nông sản cao và một số doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước.
Hàng trăm nghìn tấn nông sản sắp thu hoạch
Đại diện nhiều tỉnh tỏ ra lo lắng trước việc tiêu thụ lượng nông sản đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, cho biết tỉnh này đang tìm bài toán cho nhiều loại quả đã và chuẩn bị cho thu hoạch, ước tính sản lượng khoảng 90.000 tấn xoài, 11.000 tấn khoai lang, 6.700 tấn ớt, 1.200 tấn nhãn, 1.200 tấn mít…
“Đồng Tháp ảnh hưởng lớn từ dịch do phần lớn sản phẩm nông sản tập trung xuất sang Trung Quốc. Hiện tại, hàng tồn đọng và tương lai có thể xấu đi”, ông này chia sẻ.
Đại diện Sở Công thương Đồng Nai cũng cho biết tỉnh này đang tìm bài toán đầu ra cho nhiều loại nông sản chuẩn bị thu hoạch: xoài (khoảng 110.000 tấn), mít (khoảng 47.000 tấn), chôm chôm (155.000 tấn), sầu riêng (39.000 tấn)…
Dưa hấu giải cứu tại một siêu thị Hà Nội. Ảnh: H.C. |
Tỉnh Bình Thuận cũng đang gặp khó khăn đầu ra với khoảng 96.000 tấn thanh long cho thu hoạch trong tháng 2 và 3. Tỉnh này kiến nghị doanh nghiệp thu mua, tích trữ vào kho lạnh, tìm thêm thị trường.
“Chúng tôi đang xúc tiến bán thanh long sang Campuchia và Myanmar. Một số doanh nghiệp khác thì đang tiến hành xuất khẩu qua đường biển. Tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị tham gia xuất khẩu giai đoạn dịch này”, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận Hà Lê Thanh Trung đề xuất.
Tương tự, tỉnh tiền Giang đang lo lắng cho đầu ra của khoảng 18.400 ha cây ăn trái như sầu riêng, mít, thanh long, chuối… Tỉnh Sơn La thì gặp khó nhiều ngành hàng là tinh bột sắn (khoảng 60.000 tấn), nhãn, mận… Bắc Giang cũng bày tỏ lo ngại về quả vải khi bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 5.
Siêu thị không đủ hàng để giao cho khách
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng mong muốn hỗ trợ tiêu thụ nông sản không lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết không có đủ hàng từ các tỉnh chuyển về để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Thậm chí khi xuống địa bàn thì không biết thu mua ở đâu.
Đại diện Central Greoup cho biết hệ thống này mỗi ngày có thể tiêu thụ được 100 tấn dưa hấu, 70 tấn thanh long. Tuy nhiên, nguồn hàng từ các tỉnh chuyển ra không kịp tốc độ bán. Doanh nghiệp này đề xuất có thể hỗ trợ các tỉnh khâu vận chuyển hàng hóa ra phía Bắc để tiêu thụ.
“Doanh nghiệp muốn giải cứu nông sản nhưng không biết tìm hàng ở đâu”, vị này nói.
Tương tự, đại diện VinCommerce cho biết hệ thống Vinmart và Vinmart+ có thể tiêu thụ 120 tấn dưa hấu mỗi ngày. Vấn đề là các tỉnh phải chia sẻ thông tin hàng hóa, vận chuyển theo đúng cam kết.
Dưa hấu bày bán tại một siêu thị với giá 4.200 đồng/kg. Ảnh: Chí Hùng. |
“Chúng tôi không đủ hàng để giao cho khách. Nếu tình trạng như vậy kéo dài sẽ mất uy tín. Mong các sở hỗ trợ truyền thông chính sách, hướng dẫn cho nông dân, cam kết cung cấp hàng hóa đã ký. Với năng lực hiện tại, chúng tôi có thể tiêu thụ 2.000-3.000 tấn nông sản mỗi tuần”, đại diện đơn vị này chia sẻ.
Trong khi đó, bà Trần Mai Quỳnh, Gám đốc Thu mua miền Bắc của hệ thống AEON Mall, cho rằng các địa phương cần mang đến sản phẩm giải cứu nhưng chú ý đến chất lượng.
“Cần mang đến sản phẩm có chất lượng tốt khi giải cứu. Nếu cứ nghĩ giải cứu là giá rẻ, chất lượng đi xuống, người tiêu dùng nói không ngon thì lâu dần sẽ quay lưng với sản phẩm như vậy. Mong các sở trao đổi với hội nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Quỳnh chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải mong muốn các hệ thống bán lẻ chung tay hỗ trợ nông dân trong bối cảnh dịch virus corona khiến việc giao thương hạn chế. Về lâu dài, ông mong muốn các tỉnh nâng cao chất lượng nông sản, kết hợp chế biến sâu, đa dạng hóa thị trường.