Siêu chiến binh - lợi hay hại?

CNN tiết lộ Pháp-quốc gia có tiềm lực quân sự thuộc tốp đầu "lục địa già"-đã cho phép các lực lượng vũ trang nước này nghiên cứu và phát triển công nghệ biến các binh sĩ thông thường thành những siêu chiến binh.

Thế giới đang trải qua những ngày không yên ả khi đại dịch Covid-19 vẫn là một “cái gai” nhức nhối chưa thể nhổ bỏ trên “cơ thể” của cả những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

Không quá ngạc nhiên khi trong bối cảnh đó, một số quốc gia đã quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ sở hữu những công nghệ biến người thường thành những siêu chiến binh.

Mới đây, một bài viết trên CNN tiết lộ Pháp-quốc gia có tiềm lực quân sự thuộc tốp đầu "lục địa già"-đã cho phép các lực lượng vũ trang nước này nghiên cứu và phát triển công nghệ biến các binh sĩ thông thường thành những siêu chiến binh. Cụ thể, quân đội Pháp có thể sử dụng thành tựu y khoa, chi giả và những thiết bị cấy vào cơ thể để nâng cao năng lực thể chất, nhận thức và tâm lý của binh sĩ. Sự can thiệp này chẳng những giúp Pháp sở hữu những binh sĩ “mình đồng da sắt, tinh thần thép”, mà còn cho phép các chiến binh tương lai có khả năng kết nối với trung tâm chỉ huy, các hệ thống vũ khí cũng như với đồng đội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các siêu chiến binh sẽ có những khả năng không tưởng như điều khiển vũ khí từ xa bằng suy nghĩ hay cảm nhận âm thanh tần số thấp mà tai người bình thường không nghe được...

Siêu chiến binh - lợi hay hại?
Pháp quyết tâm sở hữu những chiến binh “mình đồng da sắt” (ảnh minh họa) (Ảnh: BBC)

Cũng theo CNN, một trong những lý do khiến Pháp quyết tâm theo đuổi mục tiêu sở hữu siêu chiến binh là bởi nhận thấy những nguy hiểm nếu bị tụt lại phía sau trong cuộc đua này. Một báo cáo mới đây của Ủy ban Đạo đức quân đội Pháp đã nhấn mạnh, quốc gia hình lục lăng cần giữ ưu thế chiến đấu của lực lượng vũ trang trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay. Tuy nhiên, ủy ban trên cũng khẳng định, bất kỳ kế hoạch phát triển vũ khí nào đều phải tôn trọng luật pháp đã được chính quyền đặt ra cho quân đội, tôn trọng luật nhân quyền và “những giá trị cơ bản của xã hội”. Chính vì thế, việc nghiên cứu và ứng dụng những “điều chỉnh” ảnh hưởng đến gen di truyền cũng như bất kỳ tác động nào có thể gây nguy hiểm cho khả năng tái hòa nhập công đồng của người lính, hoặc ảnh hưởng đến “nhân tính” của họ đều bị cấm.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố, những công nghệ cấy ghép “can thiệp sâu” vào người lính hiện chưa có trong kế hoạch của quân đội nước này. “Tuy nhiên, cũng phải nói rõ rằng, không phải nước nào cũng có chung quan điểm như Pháp và chúng tôi phải chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra trong tương lai”, bà Parly nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy cuộc đua phát triển siêu chiến binh đang ngày càng nóng. Hiện chưa quốc gia nào đạt được thành công trong lĩnh vực này. Do vậy, trở thành nước đầu tiên trình làng siêu chiến binh là mục tiêu các cường quốc đang hướng đến. CNN cho biết, quân đội Mỹ đã rót hàng triệu USD để biến những chiến binh “nửa người, nửa máy” thành hiện thực. Năm 2018, một dự án gồm các thí nghiệm tuyệt mật nhằm mục đích tạo ra một đội quân siêu chiến binh đáng gờm đã được Bộ Quốc phòng Mỹ hé lộ. Những gì được công bố góp phần vén bức màn bí mật về các thí nghiệm tăng cường sinh học mà Bộ Quốc phòng Mỹ kỳ vọng sẽ giúp sản sinh ra một thế hệ binh sĩ có sức dẻo dai, khả năng chịu đựng môi trường khắc nghiệt, cũng như giác quan và thể lực tổng thể vượt xa người thường.

Gần đây hơn, vào tháng 1-2020, Mỹ đã công bố những tiến bộ đáng kinh ngạc về lĩnh vực di truyền học trong quân sự. Giới nghiên cứu quân đội Mỹ đã phát triển một liệu pháp gen cho phép cơ thể chuột sản sinh ra chất chống lại vũ khí hóa học tấn công hệ thần kinh. Về mặt lý thuyết, liệu pháp này là tấm lá chắn bảo vệ người lính trong môi trường nguy hiểm.

Những công nghệ ưu việt đang mở ra cơ hội để con người hiện thực hóa những giấc mơ trước đây được cho là không tưởng. Thế nhưng, mọi công nghệ đều là lưỡng dụng. Người ta có thể dùng nó cho mục đích tốt hoặc xấu. Những công nghệ tạo siêu chiến binh liệu rằng có thể bị lợi dụng để tạo nên những cỗ máy giết người hàng loạt? Đây là câu hỏi mà chẳng ai có thể chắc chắn được câu trả lời. Bởi vậy, có thể hiểu được vì sao Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cho rằng các quốc gia cần kiểm soát chặt chẽ những công nghệ tạo ra siêu chiến binh, nếu không mối đe dọa mà chúng mang lại thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn một quả bom hạt nhân.

“Siêu chiến binh” tương lai của Quân đội Mỹ “Siêu chiến binh” tương lai của Quân đội Mỹ

Một số đặc điểm về “siêu chiến binh” tương lai được Cơ quan phụ trách Các dự án tương lai (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng ...

Tình báo Mỹ nghi Trung Quốc tạo Tình báo Mỹ nghi Trung Quốc tạo "siêu chiến binh" qua chỉnh sửa gien

Tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc đã tiến hành “thử nghiệm trên cơ thể” các quân nhân nước này với hy vọng phát triển ...

Nguồn: Quân Đội Nhân Dân
www.qdnd.vn
Phiên bản di động