Sĩ tử 2k6 cùng áp lực “vượt vũ môn”

Phải thi đỗ, phải đạt điểm cao, phải vào được trường đại học top đầu… đó là những áp lực mà các sĩ tử 2006 đang đối mặt trước kỳ thi quan trọng của cuộc đời.
Vừa thi xong tốt nghiệp THPT, nhiều sĩ tử hối hả tìm việc làm thêm Bắc Giang: Hơn 2.000 thanh niên tình nguyện hỗ trợ sĩ tử thi tốt nghiệp THPT Hà Nội: Cha mẹ chẳng quản trời mưa đồng hành cùng con "vượt ải vũ môn"!

Chạy đua trong “cuộc chiến” ôn luyện

Mai Như Kim (Long Biên) có nguyện vọng thi vào các trường thuộc khối ngành sư phạm, cảnh sát nên từ ngay từ đầu năm lớp 12, cô gái đã có những bước chuẩn bị cho ôn luyện rất khoa học. Kim chia sẻ, bản thân nhận thấy ôn thi từ sớm sẽ có lợi thế hơn, sau khi trang bị được kiến thức cơ bản, cô gái sẽ tập trung vào mục tiêu của mình cũng như chuyên tâm học sâu khối mình sẽ dự thi.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đó, ngay từ cuối năm lớp 11, cô gái đã ôn luyên không có ngày nghỉ ở nhiêu trung tâm và với các giáo viên bộ môn bên ngoài nhà trường.

Bạn Việt Toàn, học sinh lớp 12 trường THPT Thăng Long cho biết: “Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngay từ đầu năm lớp 12, bố mẹ đăng ký cho mình học thêm tại các lớp nâng cao, lớp luyện đề. Đồng thời, mình cũng tự học qua các bài giảng trên mạng của những thầy cô giáo có tên tuổi”.

Nhu cầu ôn luyện cho kỳ thi quan trọng của các sĩ tử ngày một tăng cao
Kỳ thi vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn khiến các sĩ tử cảm thấy căng thẳng (ảnh minh hoạ)

Không chỉ học ở trường, luyện ở các trung tâm, nhu cầu thuê người ôn thi cho học sinh lớp 12 ngày càng được phổ biến. Rất nhiều học sinh ở khu vực nội thành hiện nay được bố mẹ thuê gia sư để đồng hành cùng trong quá trình ôn thi tốt nghiệp.

Bạn Đặng Phương Thảo, hiện tại đang là sinh viên năm thứ 3 Khoa Sư phạm - trường Đại học Thủ đô chia sẻ: “Hiện tôi đang kèm một em học lớp 12, việc của tôi là giúp bạn ấy nắm vững kiến thức môn Toán và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của kỳ thi; thúc đẩy học sinh này tự chủ động trong quá trình học và làm bài, bởi trước đó bạn ấy là người chưa thực sự quan tâm nhiều tới việc học.

Do đang là sinh viên, tôi hiểu hơn về tâm lý các bạn trẻ, vì thế tôi dễ dàng thân thiết, chia sẻ và động viên bạn ấy. Tôi luôn cố gắng giúp học sinh có những suy nghĩ thật tích cực, vui vẻ dù ngày hôm ấy kiến thức khó hay có quá nhiều bài tập”.

Kỳ thi chung, áp lực riêng

Không ít học sinh lớp 12 khi được hỏi đều cho biết: “Mình cảm thấy lo lắng vì đây là năm học cuối, nếu mình không đủ điểm để đỗ vào trường đại học mơ ước thì năm sau thi lại sẽ khó khăn hơn”.

Cũng có nhiều sỹ tử chia sẻ, việc học cả ngày ở trường, học thêm buổi tối và kín lịch gia sư vào 2 ngày cuối tuần khiến các bạn cảm thấy đuối và quá tải. Điều này khiến việc ôn luyện sẽ không hiệu quả.

Khối lượng kiến thức lớn khiến các bạn 2006 phải xuất phát sớm
Khối lượng kiến thức lớn khiến các bạn 2006 phải xuất phát sớm

Để việc ôn thi hiệu quả, Phương Thảo chia sẻ kinh nghiệm nắm bắt tâm lý các thí sinh: “Một số áp lực mình trải qua khi ôn luyện cho sĩ tử chuẩn bị thi đại học đó là tâm lý học sinh nản dẫn tới điểm số, kiến thức ngày càng thụt lùi. Hay như khi gặp những bài học kiến thức nặng, các bạn thường rất mệt mỏi khi nhớ và tiếp thu, dẫn tới tình trạng muốn bỏ lừng. Còn về phía gia đình, đôi khi vì bố mẹ quá lo cho chặng đường đi của con, nên đặt ra điểm số cao khiến học sinh lo lắng. Vì thế, mình có lời khuyên rằng, cha mẹ hãy để tâm lý các sĩ tử thật thoải mái, đừng đặt quá nhiều áp lực khiến học sinh nản, từ đó bị phản tác dụng khi ôn luyện. Mình hiểu, trước kỳ thi, cha mẹ nào cũng lo lắng nhưng hãy đồng hành và chia sẻ cùng con mình”.

Là một gia sư môn Văn, cùng đồng hành với quá trình ôn thi của nhiều sĩ tử, Nguyễn Ánh Tuyết, sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Sư phạm cho rằng: “Cách ôn thi hiệu quả mình từng dạy cho nhiều học sinh đó là ôn lặp lại. Ví dụ ở một bài học, các bạn học rồi nhưng sau một khoảng thời gian nhất định từ 6-8 tuần mình sẽ ôn lại. Cách học này giúp các bạn củng cố kiến thức, nắm chắc và nhớ kỹ hơn”.

Khối lượng kiến thức nhiều, đòi hỏi các sĩ tử phải phân chia thời gian ôn luyện và nghỉ ngơi khoa học
Khối lượng kiến thức nhiều, đòi hỏi các sĩ tử phải phân chia thời gian ôn luyện và nghỉ ngơi khoa học

Điều quan trọng là, dù ôn luyện miệt mài nhưng mỗi sĩ tử cần ăn uống đầy đủ, ngủ đúng giờ tránh việc chỉ ngủ 3-4 tiếng 1 ngày dẫn tới tinh thần uể oải, dần dần làm hao sức. Bên cạnh đó, các sĩ tử luôn phải giữ tâm trạng vui vẻ, tích cực, như thế sẽ giúp bạn tỉnh táo, nhẹ nhàng hơn trong quá trình ôn thi. Điều quan trọng, ôn thi là một chặng đường dài, không thể đợi “nước đến chân mới nhảy”, ngay từ bây giờ, sĩ tử 2k6 hãy cố gắng trau dồi kiến thức để chinh phục ước mơ của mình.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động