Sau khi rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức Bộ ngành biến động ra sao?
Đầu tư 17.000 tỷ đồng để di dời các trụ sở bộ ngành ra khỏi trung tâm Hà Nội |
Báo cáo triển khai Nghị quyết số 113/2015/QH13 và Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn phục vụ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân ký, gửi đến các đại biểu quốc hội cho thấy, về sắp xếp cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (không tính Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) đã có nhiều biến động.
Cụ thể, Vụ và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ là 248 tổ chức, giảm 12 tổ chức. Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ là 125 tổ chức, tăng 7 tổ chức. Tổng cục và tổ chức tương đương là 29 tổ chức, tăng 2 tổ chức, trong khi đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ là 102 đơn vị, giảm 8 đơn vị.
Đối với cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ đã ban hành 8 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan thuộc Chính phủ (trong đó chuyển Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về Ban Bí thư và thành lập mới Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp).
Kết quả cho thấy, Ban (Vụ) thuộc cơ quan thuộc Chính phủ là 52 tổ chức, giảm 1 tổ chức. Đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan thuộc Chính phủ là 154 tổ chức, giảm 37 tổ chức.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Ảnh: quochoi) |
Đối với các tổng cục và tổ chức tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chính phủ đã ban hành 17/29 Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các tổng cục và tương đương. So với Chính phủ nhiệm kỳ Khóa XIII, tăng 2 tổng cục (không tính các tổng cục thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng).
Còn Vụ và tương đương thuộc tổng cục là 219, tăng 6 tổ chức. Cục thuộc tổng cục là 102, tăng 2 tổ chức. Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục là 128 tổ chức, tăng 5 đơn vị.
Về sắp xếp quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thì đã có 4 tỉnh thực hiện sắp xếp (Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai), giảm 5 cơ quan chuyên môn.
Cùng với đó có 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và giảm 185 phòng chuyên môn.
Bộ Nội vụ cũng cho biết, biên chế công chức đến nay đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015.
Cụ thể, bổ sung 41 biên chế công chức để tiếp nhận công chức từ 3 Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Đồng thời, bổ sung 11 biên chế để tiếp nhận công chức chuyển từ Văn phòng Đoàn ĐBQH về Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND của 2 địa phương (Quảng Ninh, Đà Nẵng).
Ngoài ra, còn bổ sung 50 biên chế công chức đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN từ biên chế dự phòng năm 2019.
Cùng với đó, trong năm qua đã điều chỉnh giảm 396 biên chế công chức của 4 địa phương (Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Ninh, Điện Biên) để chuyển sang biên chế thuộc khối Đảng do hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn; điều chuyển 5.488 biên chế công chức quản lý thị trường từ các địa phương về Bộ Công thương.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng cho biết, hiện cả nước có 139 lãnh đạo được bổ nhiệm qua thi tuyển. Cụ thể ở T.Ư có 9 cơ quan đã tổ chức thi tuyển với 30 vị trí. Trong đó, Ban Tổ chức TƯ và Bộ Nội vụ có số lãnh đạo bổ nhiệm qua thi tuyển đông nhất với 6 vị trí. Còn lại một số bộ ngành đã thực hiện thi tuyển lãnh đạo từ 1-4 vị trí. Có 5 cơ quan đã xây dựng kế hoạch và đang triển khai thực hiện.
Ở địa phương có 13 tỉnh thành đã tổ chức thí điểm thi tuyển với 109 vị trí. Đà Nẵng dẫn đầu về số lãnh đạo được bổ nhiệm qua thi tuyển với 22 vị trí. Kế đến là Sơn La 10 vị trí, Quảng Ninh 9 vị trí, Ninh Bình và Hải Phòng 7 vị trí… Có 2 địa phương đã xây dựng xong kế hoạch và đang triển khai.