Samsung Việt Nam có thể giảm xuất khẩu gần 6 tỷ USD năm nay
Samsung xây trung tâm nghiên cứu 220 triệu USD tại Việt Nam |
Báo cáo đánh giá tác động Covid-19 tới các ngành công nghiệp vừa được Bộ Công thương gửi Thủ tướng cho thấy, ngành điện tử bị ảnh hưởng lớn do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm tại Mỹ, EU. Hiện 2 thị trường này lần lượt chiếm tỷ trọng 17% và 24% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại, linh kiện; còn ở nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử lần lượt là 17% và 14%.
Đây cũng là 2 thị trường xuất khẩu chủ lực của Samsung Electronics Việt Nam, chiếm tới 50% giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp này, trong đó Mỹ khoảng trên 20%, còn EU là 30%.
Samsung Việt Nam có thể giảm xuất khẩu gần 6 tỷ USD năm nay. |
Thị trường xuất khẩu chủ lực giảm sút khiến doanh thu, sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo giảm theo. Riêng với Samsung Việt Nam, Bộ Công thương cho biết doanh nghiệp này dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn 45,5 tỷ USD, giảm gần 6 tỷ USD so với năm 2019.
Hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics Inc. đánh giá, doanh số smartphone toàn cầu năm nay có thể giảm 10% do tác động của Covid-19 lan rộng sang Mỹ và EU. Việc sụt giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm điện tử trên thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường cũng như ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam.
Cũng theo Bộ Công thương, ngành sản xuất điện tử trong quý I chịu tác động lớn khi thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu do dịch bệnh bùng phát. Gần đây, nguồn linh phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc đã phục hồi một phần, nhưng quá trình nhập còn khó khăn do vận chuyển đường bộ từ nước này mất nhiều thời gian thông quan do kiểm dịch phòng Covid-19.
Các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa phương thức vận chuyển linh phụ kiện nhập khẩu thay cho đường bộ, song việc này cũng khiến họ gia tăng chi phí, khó đảm bảo lượng hàng cũng như tiến độ phục vụ công suất sản xuất.
Số doanh nghiệp khác tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc. Nhưng dong do tính chất phân công sản xuất theo chuỗi toàn cầu hiện nay và đặc thù của sản xuất điện tử, việc tìm nguồn cung dự phòng không dễ và chi phí cũng tăng cao.
Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam thì nhận xét, doanh nghiệp sản xuất điện tử sẽ gặp nhiều khó khăn khi các đơn hàng dài hạn, đơn hàng mới rất ít do nhu cầu mua sắm hàng điện tử sụt giảm bởi các biện pháp kiểm dịch.