Rà soát việc thoái vốn cả lô tại 5 công ty thủy điện của Tập đoàn Cao su

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện việc thoái vốn cả lô 5 công ty thủy điện thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam phải ''kiểm soát từng mét vuông đất''

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty cổ phần (VRG) về những vấn đề sau cổ phần hóa và tình hình sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp.

Phó Thủ tướng biểu dương các thành tích đã đạt được trong thời gian qua, VRG đã thực hiện IPO thành công, đúng pháp luật, đúng đề án đã được phê duyệt, đảm bảo công khai, minh bạch...

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu VRG khẩn trương xây dựng Báo cáo chuyên đề tổng kết việc triển khai dự án trồng cao su trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, trong đó đánh giá những kết quả đạt được, những mô hình trong tích tụ, tập trung ruộng đất và định hướng phát triển doanh nghiệp trên địa bàn này; làm rõ các cơ sở lý luận, thực tiễn của đề xuất chuyển đổi mô hình các doanh nghiệp này thành doanh nghiệp xã hội, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

ra soat viec thoai von ca lo tai 5 cong ty thuy dien cua tap doan cao su
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Bên cạnh đó, xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện VRG sau cổ phần hóa, định hướng đến năm 2025, trong đó gồm các kiến nghị tại báo cáo của VRG theo quy định pháp luật, trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để lấy ý kiến các cơ quan liên quan; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các cơ quan, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đồng thời, làm việc với các địa phương để chuyển giao dứt điểm những diện tích đất đai đã được phê duyệt mà không có nhu cầu sử dụng về các địa phương quản lý; rà soát, hoàn tất thủ tục niêm yết cổ phiếu của VRG tại Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát lại toàn bộ quá trình thực hiện việc thoái vốn cả lô 5 công ty thủy điện thuộc VRG, xác định những bất cập, vướng mắc, nguyên nhân, đề xuất phương án xử lý, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngày 18/4, theo báo cáo của VRG, sau nhiều năm chuẩn bị, tập đoàn đã thực hiện cổ phần hoá công ty mẹ và chuyển hoạt động sang mô hình công ty cổ phần từ 1/6/2018. Hiện nay, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu tại Tập đoàn sau khi tiếp nhận từ Bộ NN&PTNT.

Mặc dù kết quả bán cổ phần lần đầu không đạt yêu cầu (25% vốn Nhà nước) nhưng các bộ, ngành cho rằng đã diễn ra đúng các quy định của pháp luật, đồng thời kết quả sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển khá. Cụ thể, doanh thu năm 2018 đạt 4.536 tỷ đồng, tăng 23,53% so với chỉ tiêu Bộ NN&PTNT giao và cao hơn chỉ tiêu của Đại hội Hội đồng cổ đông.

Hoạt động trồng cao su ở Tây Bắc bước đầu thành công khi đạt 0,8 tấn mủ/ha, bằng 75% so với năng suất ở vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên để bảo đảm lợi ích phân chia lợi nhuận cho đồng bào góp đất, ông Thuận đề nghị chuyển các công ty cao su ở khu vực này sang mô hình doanh nghiệp xã hội. Về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, hiện nay trồng cao su ở Lào đã có lãi và ở Campuchia thì đang lỗ kế hoạch (trong 5 năm).

Sau khi cổ phần hoá, Tập đoàn đã hoàn thành việc thỏa thuận phương án sử dụng đất, xử lý lao động dôi dư với các địa phương theo quy định của pháp luật. Hiện tại Tập đoàn đang tiếp tục hoàn thành đo đạc, cắm mốc, ký hợp đồng cho thuê đất, cấp sổ đỏ với các địa phương, tiếp tục bàn giao đất về cho địa phương quản lý, sử dụng theo các phương án sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai (hiện mới giao được hơn 1.300 ha trong tổng số hơn 29.000 ha cần phải giao cho các địa phương) và kiểm toán kết quả cổ phần hoá.

Hậu Lộc
Phiên bản di động