Quy hoạch phân khu sông Hồng tạo đột phá cho Hà Nội phát triển
Quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng để tạo không gian phát triển Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Quận Đống Đa phải đi đầu trong xây dựng không gian ngầm Hà Nội đã có quy hoạch phân khu sông Hồng |
Tạo đột phá cho phát triển Hà Nội khi quy hoạch hai bên bờ sông Hồng |
Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển
Theo tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5.000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000ha; Thuộc địa bàn của 55 phường, xã của 13 quận, huyện gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người.
Khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trước, không gian nghiên cứu đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nêu trên thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen...
Đây được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.
Bên cạnh việc bố trí dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồ án còn nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.
Đồ án quy hoạch cũng đề cập đến việc xây dựng cầu, hầm kết nối đô thị hai bên sông, kết nối giao thông đô thị và đường thủy; Phát triển hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp…
Các tuyến đê đoạn qua nội đô được giữ nguyên trạng, đoạn còn lại nâng cấp thành đường chính khu vực với bốn làn xe; Quy hoạch hai tuyến đường sáu làn xe chạy dọc hai bên sông.
Đồ án đề xuất 5 bãi sông được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc; Hoàng Mai - Thanh Trì; Chu Phan - Tráng Việt; Đông Dư - Bát Tràng và Kim Lan - Văn Đức. Bãi sông được xây dựng với tỷ lệ 15% là Tàm Xá - Xuân Canh.
Các bãi sông này định hướng phát triển thành khu đô thị mới hiện đại, nhà ở sinh thái chất lượng cao. Các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng để giảm thiểu thiệt hại khi có lũ; Ngoài ra, còn được định hướng không gian mở với các loại hình không gian công viên, quảng trường đô thị, công viên ngập lũ...
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, trước đây mọi người nói Hà Nội quay lưng vào sông Hồng. Với quy hoạch này, Hà Nội sẽ quay mặt ra sông Hồng để phát triển.
Từ năm 1954 đến nay, có 7 lần quy hoạch chung Thủ đô đã được ban hành. Mỗi lần đều đề cập đến quy hoạch không gian sông Hồng. Năm 2012, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), UBND thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Từ đó đến nay, có khoảng 20 đề án, dự án quy hoạch liên quan đến sông Hồng của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước nhưng gần 10 năm qua, Hà Nội vẫn chưa có được quy hoạch này.
Việc đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua về chủ trương để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, tiến sát bước được phê duyệt và ban hành là tiến bộ vượt bậc về công tác quy hoạch và cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Đáp ứng sự chờ đợi của người dân hàng chục năm qua.
Bảo đảm sinh kế hàng triệu người dân
Liên quan đến đồ án này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, đồ án Quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng là quy hoạch đa mục tiêu. Các công trình hạ tầng hiện đại đang và sẽ xây dựng thời gian tới góp phần tạo đòn bẩy thay đổi diện mạo đô thị hai bên bờ sông, để kỳ tích sông Hồng sớm thành hiện thực.
Việc Quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ giúp quản lý dân cư có hiệu quả, nâng chất lượng sống cho người dân. Không chỉ trong nước, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư của cả trong và ngoài nước đã chờ đợi từ nhiều năm nay. Khi quy hoạch được phê duyệt sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khai thác tiềm năng lợi thế của Thủ đô.
ảnh minh họa |
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong quy hoạch đã đặt ra vấn đề lấy trục sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Chính vì vậy, để quy hoạch và phát triển sông Hồng đều phát triển đồng bộ, vấn đề này đòi hỏi phải có hệ thống giao thông đi lại phát triển hơn.
Các khu vực được quy hoạch trong đồ án hai bên sông Hồng có thuận lợi về giao thông thủy vận tải hàng hóa, du lịch, kết nối với cả vùng. Đồ án giúp phát triển các công trình công cộng hiện đại, tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông.
Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng cho rằng, việc quy hoạch đồ án hai bên sông Hồng cũng đối diện với không ít thách thức cần phải giải quyết; Trong đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc các khu dân cư hiện có chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ngoài ra, việc tiềm ẩn nguy cơ lũ lụt, mực nước cạn kiệt cũng phải được xem xét… Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với Hà Nội là nhanh chóng có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.
Trao đổi với báo chí mới đây, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Quy hoạch phân khu sông Hồng được thông qua và triển khai sớm sẽ đảm bảo vấn đề sinh kế hàng triệu người dân sống hai bên sông. Đây là một trong những điểm nghẽn lâu nay thành phố vẫn luôn muốn tháo gỡ. Quy hoạch được triển khai, bộ mặt đô thị sẽ khang trang hơn và tạo quỹ đất để phát triển. Thành phố với điểm nhấn là dòng sông ở giữa, với hành lang xanh, một đô thị đẹp, văn minh, hiện đại. Trước đây sông Hồng cận biên là phía Bắc, bây giờ tư duy quy hoạch mới rồi, trục giữa nằm ở sông Hồng, từ đó phát triển hài hòa 2 bên bờ sông.
Quy hoạch sông Hồng theo hướng trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, rồi nhấn mạnh văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả 2 bên chứ không phải là nơi chất tải các công trình lên. Có được bản quy hoạch này là nhờ thiên thời, địa lợi nhân hòa, công sức nhiều năm nghiên cứu, xây dựng của cả thành phố.