Quốc Cường Gia Lai loay hoay nợ nần
Quốc Cường Gia Lai giải thể công ty bất động sản Hiệp Phát Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vào diện cảnh báo từ 15/2 Quốc Cường Gia Lai ''giấu'' 14 thương vụ chuyển nhượng nghìn tỷ đồng |
Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019 cho thấy hoạt động kinh doanh tiếp tục có dấu hiệu đi xuống.
Theo đó, quý 1/2019, doanh thu thuần của Quốc Cường Gia Lai đạt 377,8 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, giá vốn hàng bán ghi nhận 257 tỷ đồng, tăng hơn 23% và chiếm 94% doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp giảm mạnh hơn 65% về mức 21 tỷ đồng.
Cũng trong quý 1/2019, chi phí tài chính của Quốc Cường Gia Lai tăng mạnh lên mức 10,4 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, toàn bộ đều là chi phí lãi vay. Ngoài ra, chi phí bán hàng ghi nhận 340 triệu đồng, cao gần 4 lần so với cùng kỳ; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận gần 4,5 tỷ đồng.
Lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai giảm mạnh. |
Kết quả, Quốc Cường Gia Lai báo lãi chỉ hơn 5 tỷ đồng trong quý 1 năm nay, giảm gần 83% so với quý 1/2018. Nguyên nhân lợi nhuận giảm được lý giải là do công ty bàn giao căn hộ cho khách hàng không có thu nhập từ chuyển nhượng tài chính.
Đến hết tháng 3/2019, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận mức tổng tài sản 10.648 tỷ đồng, giảm 370 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn chỉ đóng góp 2.218 tỷ đồng, còn lại là tài sản ngắn hạn.
Chiếu theo số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất, trong khoản tài sản ngắn hạn, tiền và các khoản tương đương tiền của Quốc Cường Gia Lai giảm mạnh xuống còn 53 tỷ đồng; trong đó, tiền mặt hơn 7,8 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng xấp xỉ 37 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng tồn kho tính đến cuối kỳ ghi nhận gần 7.388 tỷ đồng, trong đó bất động sản dở dang 6.932 tỷ đồng, chiếm gần 94%; chủ yếu là các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án.
Tính đến hết tháng 3/2019, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận mức vốn chủ sở hữu 4.163 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của công ty là 6.484 tỷ đồng, trong đó, khoản phải trả ngắn hạn khác chiếm hơn 4.642 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, có lẽ do tình hình hoạt động kinh doanh kém khả quan nên Quốc Cường Gia Lai đã rút vốn, chuyển nhượng cổ phần tại nhiều công ty con.
Trước đó, cuối tháng 12/2018, Quốc Cường Gia Lai cũng hoàn tất việc chuyển nhượng 49,9% vốn cổ phần tại công ty CP bất động sản Sông Mã, chỉ còn giữ lại 49,9% vốn cổ phần, chuyển thành khoản đầu tư vào công ty liên kết.
Bên cạnh đó, tháng 1/2019, công ty do bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ của Cường Đô la) cũng đã ra nghị quyết giảm 195,3 tỷ đồng vốn góp ở Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng, đây là công ty gây lùm xùm trong thời gian vừa qua về vụ lấp sông Hàn để phân lô bán biệt thự.
Mới đây, Quốc Cường Gia Lai cũng đã công bố thông tin giải thể Công ty CP bất động sản Hiệp Phát tại TP HCM. Theo đó, Quốc Cường Gia Lai giải thể, đồng thời rút toàn bộ vốn tại Công ty CP bất động sản Hiệp Phát (địa chỉ tại 26 Trần Quốc Thảo, phường 6, quận 3, TP HCM) do hoạt động không hiệu quả. Được biết, Công ty CP bất động sản Hiệp Phát là 1 trong 7 công ty con của Quốc Cường Gia Lai khi sở hữu 90% vốn tại đây.
Gần đây nhất, Quốc Cường Gia Lai cũng đã quyết định chuyển nhượng 5% vốn tại Công ty cổ phần bất động sản Hiệp Phú Land với trị giá 42,85 tỷ đồng cho cá nhân ông Phạm Minh Kính.
Không chỉ kinh doanh mà trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai cũng đang lao đao. Theo đó, cổ phiếu QCG đã bị đưa vào diện cảnh báo từ 15/2/2019 vì vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin. Như vậy, cổ phiếu QCG đồng thời cũng không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Cụ thể, từ năm 2013 - tháng 8/2017, Quốc Cường Gia Lai có 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng với tổng giá trị các giao dịch trên 3.200 tỷ đồng nhưng không công bố thông tin với cơ quan quản lý chứng khoán theo quy định. Hiện cổ phiếu QCG có giá 5.300 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 81% so với thời điểm niêm yết.