Quảng Nam - Đà Nẵng: 2,5 ngàn tấn rác thải ra mỗi ngày khiến nhiều người giật mình
Áp lực rác từ du lịch ở Hội An (Quảng Nam) bài toán không dễ giải |
Ngày 14/11, tại TP. Hội An (Quảng Nam), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Viện nước Quốc tế Thụy điển (SIWI), UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP. Đà Nẵng đồng phối hợp tổ chức hội thảo “Nền tảng quản lý từ nguồn tới biển – Xử lý rác thải rắn tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Việt Nam”.
Những con số khiến nhiều người giật mình
Báo cáo tại hội thảo cho thấy: 2,5 ngàn tấn, là lượng rác thải ra môi trường hàng ngày của TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, trong đó có hơn 60% rác hữu có, số còn lại là chất thải nhựa. Một con số khiến nhiều người phải giật mình.
Vu Gia - Thu Bồn là lưu vực sông lớn thứ 9 tại Việt Nam, được xem là hệ thống sông lớn duy nhất tại khu vực miền Trung Việt Nam đổ ra biển Đông, từ khu vực Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam).
Theo đó, việc sử dụng đất và nước ở thượng nguồn, sẽ có tác động không cân bằng lên môi trường ở vùng cửa sông, ven biển của 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng. 2 địa phương này, mỗi ngày thải ra môi trường hơn 1ngàn tấn rác thải, trong khi năng lực xử lý thì vẫn đang rất hạn chế.
Những hình ảnh này thường thấy sau mỗi trận lũ lụt ở Hội An |
Bà Vũ Thu Hà, chuyên gia đến từ IUCN cho biết: Kết quả nghiên cứu thực địa trong thời gian 10 ngày (từ 21-31/10/2019) cho thấy, tổng lượng chất thải nhựa phát sinh ở lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn là 281 tấn/ngày, trong đó lượng chất thải nhựa không được thu gom là 36,5 tấn/ngày.
Bà Hà đưa ra tình huống giả định: Nếu khoảng 10% đến 25% lượng chất thải không được kiểm soát đi vào các nguồn nước. Kết quả, sẽ có khoảng từ 3,7 - 9,1 tấn chất thải nhựa có khả năng rò rỉ hàng ngày vào các nguồn nước, tương đương với 1.332 - 2.6.682 tấn chất thải nhựa trung bình mỗi năm. Đây thực sự là vấn đề cấp bách mà các địa phương cần tính đến.
Hạ nguồn luôn là nơi đón rác từ thường nguồn đổ về |
Mô hình du lịch vớt rác tại Hội An |
Điều khiến nhiều chuyên gia quan tâm nữa chính là, việc rác thải nhựa và chất thải nhựa sử dụng một lần xả ra môi trường cao là bởi Quảng Nam và Đà Nẵng hàng năm đón một lượng khách du lịch rất lớn. Nhưng ở 2 địa phương này lại có nhiều sông, biển, đảo hiện hữu những vùng sinh thái cần được bảo vệ nghiêm ngặt, nên cần phải tính toán đến các giải pháp bền vững.
Đại đa số ý kiến tại hội thảo lần này đều nói đến trách nhiệm của các địa phương, khi chỉ mải mê quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nông thôn, phát triển các ngành kinh tế… nhưng lại ít quan tâm đến vấn đến bùng phát rác thải, cũng như biện pháp hữu hiệu để xử lý. Hầu hết chỉ khi để xảy ra tình trạng quá tải rác thải, mới mang ra bàn tính. Nhưng tất cả cũng chỉ mang giải pháp tình thế, chưa có biện pháp bền vững.
Sau mỗi trận triều cường, rác lại ngập ngụa của biển |
Tiến sĩ Lê Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đưa ra so sánh: “Bình quân mỗi năm, mỗi người dân Cù Lao Chàm đón trên 200 lượt khách, còn TP.Hội An đón 64 lượt khách/người/năm.
Như vậy, để giảm được tình trạng ô nhiễm rác thải từ du lịch, chính quyền địa phương vận động người dân và du khách không sử dụng túi ni lông, không dùng ly, chai, ống hút nhựa dùng một lần… sẽ có tác động ngay đến việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Rác từ thượng nguồn đổ về khi xảy ra lũ lụt ở Hội An |
Giải pháp nào giảm thiểu rác thải nhựa?
Quảng Nam và Đà Nẵng là 2 địa phương có sự gắn kết với nhau bởi hệ thống sông, suối, biển. Do đó, 2 địa phương phải cùng phối hợp với nhau trong công tác quản lý. Bởi rác thải ở địa phương này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến địa phương khác, thông qua hệ thống sông suối, các dòng chảy ven biển.
Trước đó, tháng 12/2016, UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã ký thỏa thuận hợp tác trong 3 năm (2017 – 2020) thí điểm thực hiện việc “Quản lý Tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và khu vực ven biển Quảng Nam – Đà Nẵng” theo phương pháp, sử dụng cách tiếp cận từ đỉnh núi xuống rạn san hô (R2R) với sự hỗ trợ của IUCN.
Du khách nước ngoài nhặt rác tại Hội An |
Cách tiếp cận R2R là phương pháp cần thiết để quản lý vấn đề ô nhiễm nhựa từ đất liền ra sông, biển. Cùng với nỗ lực lồng ghép quản lý tài nguyên đất, nước và biển sẽ giúp các bên liên quan ở thượng nguồn và hạ nguồn tăng cường điều phối, trong bối cảnh những thách thức đang diễn ra tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.
Theo đó, Ban điều phối chung (JCC) đã được hai bên thành lập để giải quyết các vấn đề liên vùng - liên tỉnh, chịu trách nhiệm xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động và thực hiện.
Bên cạnh đó, JCC thông qua tham vấn với IUCN và các đối tác quyết định lựa chọn rác thải rắn là dòng chảy ưu tiên tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và đã nhận được sự đồng thuận cao của Quảng Nam và Đà Nẵng.
Tại Hội thảo lần này, đại diện Viện nước Quốc tế cũng đã giới thiệu cách tiếp cận từ nguồn tới biển (S2S) và lợi ích từ việc áp dụng cách tiếp cận này, trong giải quyết các vấn đề cấp bách về quản lý giữa lưu vực sông và vùng biển.
Theo đó, khung quản lý S2S sẽ tập trung vào tính kết nối và liên quan lẫn nhau giữa các lưu vực sông và vùng ven biển với mục đích giải quyết một cách tổng thể vấn đề quản lý đất, nước ngọt và hệ sinh thái; kiểm soát và hạn chế rác thải nhựa từ các nguồn khác nhau đổ ra biển, cũng như hệ thống nước ngọt.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đề nghị sớm áp dụng công nghệ tái chế và nhà máy xử rác hiệu quả tại 2 địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Những địa phương có điều kiện tự nhiên về sông, suối, biển thì vấn đề quản lý chất thải càng phức tạp hơn, nguy cơ ô nhiễm cũng lớn hơn.
Ông Thanh cho rằng: Để giảm thiểu ô nhiễm, trước hết phải nâng cao nhận thức của người dân từ vùng núi đến ven biển, ven sông hiểu được rằng, mỗi hành động của mình đều tác động đến cộng đồng, nhất là những địa phương ở khu vực đầu nguồn. Đồng thời, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị của 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, với sự tương tác lẫn nhau, phù hợp với từng địa phương trong các vấn đề liên quan đến xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa.