Quả vải Việt Nam chưa thể xuất sang Nhật vì dịch Covid-19
Vải thiều Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản |
Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Sở Công thương tỉnh Hải Dương và Sở Công thương tỉnh Bắc Giang liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu quả vải tươi xuất khẩu lần đầu tiên sang Nhật Bản.
Theo đó, trong văn bản gửi hai Sở Công thương Hải Dương và Bắc Giang, Bộ Công thương cho biết, Bộ này nhận được công hàm số 02/shouan/333 ngày 20/4/2020 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) thông báo không thể cử chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Do vậy, việc xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020.
![]() |
Vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. |
Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Công thương đã có công văn đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với Bộ Nông Nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản để thuyết phục phía Nhật xem xét các giải pháp khác thay cho việc phải cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra cơ sở khử trùng như tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện việc này trong thời gian trước mắt hoặc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa (kiểm tra trên hồ sơ và kiểm tra thông qua truyền hình trực tiếp các cơ sở khử trùng).
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam cũng đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị thúc đẩy Bộ MAFF xem xét các biện pháp đặc biệt, sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi vào Nhật Bản phù hợp với tinh thần Tuyên bố chung Nhật Bản – ASEAN về Sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.
Bộ Công thương đề nghị các Sở nắm bắt thông tin và phổ biến kịp thời cho các đơn vị, doanh nghiệp liên quan. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan của cả hai nước để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam sang Nhật Bản.
Trước đó, hồi cuối năm 2019, Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản đã gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông) thông báo chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản.
Theo đó, Nhật Bản chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam. Quy định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2019.
Được biết, các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản bao gồm: quả vải thiều phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian hai giờ dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản. Các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại tỉnh Bắc Giang, tổng diện tích vải toàn tỉnh này là 28.126 ha, ước tổng sản lượng năm 2020 đạt 160.000 tấn (trong đó vải thiều sớm ước đạt 45.000 tấn; vải thiều chính vụ ước đạt 115.000 tấn). Diện tích vải thiều trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap chiếm trên 50% và ngày càng được mở rộng, hướng tới đạt 100% diện tích. Quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ tại gần 10 quốc gia.
Thời gian thu hoạch vải tại tỉnh Bắc Giang dự kiến từ ngày 20/5 đến ngày 25/7. Trong đó, vải thiều sớm thu hoạch từ ngày 20/5 đến ngày 5/6; vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 25/7. Hiện nay, thị trường tiêu thụ vải của tỉnh Bắc Giang ở trong nước chiếm khoảng 50%; xuất khẩu chiếm 50% (xuất khẩu chủ yếu là vải thiều tươi vào thị trường Trung Quốc).
Trong khi đó, tỉnh Hải Dương có tổng diện tích sản xuất vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu và thị trường cao cấp là 220ha, với sản lượng dự kiến đạt 1.250 tấn. Theo dự kiến, trà vải sớm sẽ cho thu hoạch từ ngày 5-30/5/2020 và trà vải thiều cho thu hoạch từ ngày 1-25/6/2020.