Phú Quốc: Đất chùa đứng tên cá nhân, gần 10 năm chưa giải quyết dứt điểm
Tòa soạn Tuổi trẻ và Pháp luật nhận được đơn đề nghị giúp đỡ của Ban quản trị (BQT) Dinh Bổn cảnh Thành Hoàng Chuông Am (Chuông Am), tại Thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Bạn đọc cho rằng,việc UBND huyện Phú Quốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất 1,7ha (sổ đỏ) cho cá nhân ông Nguyễn Văn Mời là trái với quy định của pháp luật và gây ra tranh chấp vì đây là khu đất thuộc chùa Chuông Am.
Video về việc BQT Chuông Am khẩn cầu giải quyết sự việc.
Ai mới là người khai khẩn đất?
Trình bày trong đơn, Ban quản trị cho biết, Chuông Am có lịch sử hình thành từ thời pháp thuộc, tọa lạc trên khu đất núi chùa Chuông Am, diện tích khoảng 17000m2. Thời điểm từ năm 1975 đến năm 1997 thuộc ấp Cây Bến, xã Cửa Dương. Năm 1998 được tách thành 3 ấp Bến Tràm, Cây Thông Trong và Cây Thông Ngoài, khu vực núi chùa Chuông Am thuộc khu phố 5 (hiện là đường Nguyễn Trung Trực, khu phố 10, TT Dương Đông).
Dinh Bổn cảnh Thành hoàng Chuông Am - Phú Quốc.
Chuông Am do dân khai khẩn, xây dựng, lập vườn thuốc nam và vườn cây cổ thụ. Qua nhiều đời, nơi đây vẫn là nơi thờ tự các vị thánh và cũng là nơi bốc thuốc nam, châm cứu trị bệnh cho người dân.
Mọi việc sử dụng vẫn bình thường cho tới năm 2010, Nhà nước mở đường đi sau chùa, quá trình đo đạc để bồi thường thì BQTChuông Am mới phát hiện, đất của nhà chùa quản lí, sử dụng đã bị “xẻo” 16.950m2 cấp cho ông Nguyễn Văn Mười từ 2006.
Sau đó, BQT chùa đã nhiều lần có đơn khiếu nại, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ sổ đỏ của ông Nguyễn Văn Mười và giao lại đất chùa Chuông Am cho cộng đồng dân cư quản lý.
Liên quan đến sự việc trên, ngày 30/8/2017, ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo, giao Sở TN&MT phối hợp với Tổ công tác, UBND huyện Phú Quốc kiểm tra, rà soát toàn bộ vụ việc liên quan đến chùa Chuông Am.Ngày 25/1/2018, Sở TN&MT có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnhvề kết quả kiểm tra nội dung đơn của Ban Quản trị.
Sau khi kiểm tra, rà soát Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang cho rằng, nguồn gốc diện tích đất 16.950m2 tại khu phố 10, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc trước năm 1959 là đất rừng hoang. Năm 1959, ông Nguyễn Văn Mười từ Bình Dương ra Phú Quốc cất nhà ở và làm thuốc Nam tại khu đất này, có trồng một số cây như dừa, xoài… Đến năm 1969 do chiến tranh ác liệt, ông Mười không còn ở tại khu đất này, mà đến thị trấn An Thới và sau đó ra đảo Thổ Châu sinh sống.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang sau khi kiểm tra, rà soát thông tin về nguồn gốc đất chùa Chuông Am.
Sau năm 1975, thống nhất đất nước, ông Mười trở lại Phú Quốc tiếp tục làm nghề thuốc tại chùa Phước Thiện được một thời gian, đến năm 1985 ông Mười vào sử dụng lại khu đất cũ trước đây như cất nhà, làm nơi thờ tự riêng và trồng cây ăn trái như dừa, xoài, mít… trồng xen kẽ cây thuốc Nam liên tục cho đến nay. Quá trình ông Mười sử dụng phần đất do ông khai mở là hoàn toàn độc lập, riêng biệt với đất của Dinh Bổn Cảnh Thành Hoàng huyện Phú Quốc… đồng thời từ trước đến nay, ông Mười cũng không phải là thành viên của Dinh Bổn Cảnh…”.
Đơn xác nhận của Ban Quản trị Chuông Am về nguồn gốc gần 17.000m2 đất cấp cho ông Nguyễn Văn Mười là của chùa Chuông Am
Tuy nhiên, Ban quản trị Chuông Am cho rằng tại báo cáo nàycủa Sở TN&MT đã bỏ qua những chứng cứ, nhân chứng khách quan, khiến cho việc báo sai sự thật về nguồn gốc đất chùa Chuông Am. Bởi năm 1987, ông Nguyễn Văn Cầu (thường gọi Năm Cầu) là người quản lý Chuông Am, đưa ông Nguyễn Văn Mười từ chùa Phước Thiện về đây sinh sống, BQT đã đưa ông Mười vào tổ bốc thuốc nam làm công việc bốc thuốc, châm cứu, trông coi phòng thuốc và phần đất vườn cây cổ thụ giáp ranh với đất của ông Trần Văn Đời, hiện phần mộ ông Năm Cầu vẫn còn trong khu vườn này.
Đất chùa bỗng được cấp sổ đỏ cho cá nhân?
Theo tài liệu PV có được, ngày 20/12/2006, ông Thái Thành Lượm -Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (lúc bấy giờ) kí, cấp sổ đỏ số AH 392466 cho ông Nguyễn Văn Mười, diện tích 16.950m2, loại đất trồng cây lâu năm, hình thức sử dụng riêng, thời hạn sử dụng đến tháng 10/2043.
Điều đáng nói, sổ đỏ này không ghi số thửa và số bản đồ. Tại biên bản xác định ranh giới sử dụng đất, chỉ có chữ kí giáp ranh của các ông: Hà Đức Bảo, Lê Hoàng Giao và Huỳnh Bá Mùi. Riêng cạnh từ đường Nguyễn Trung Trực chạy vào phía sau có 3 hộ liền kề: ông Lê Hoàng Giao, bà Lê Thị Ngọc Thu, bà Trần Việt Liên, thì chỉ có chữ kí của ông Giao, không có chữ kí của 2 hộ bà Thu và bà Liên.
Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho ông Nguyễn Văn Mười do ông Thái Thành Lượm ký.
Ở một diễn biến khác, năm 2009 khi bà Lê Thị Ngọc Thu kiện ông Nguyễn Văn Mười ra tòa để đòi lại 200m2 đất, vì bà Thu cho rằng bị ông Mười lấn chiếm. Tại phiên tòa này, ông Nguyễn Minh Hùng, người được ông Mười ủy quyền khai trước Tòa: “Nguồn gốc đất 16.950m2 mà UBND huyện Phú Quốc cấp cho ông Nguyễn Văn Mười là do ông khai khẩn từ 1959. Ông Mười là trụ trì chùa Chuông Am nên ông là người đại diện đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng cho chùa Chuông Am, chứ không phải đứng tên cho cá nhân ông”.
Về nguồn gốc đất tranh chấp hiện nay còn thể hiện là đất của Chuông Am qua bút tích của ông Nguyễn Văn Mười xác nhận trong giấy mượn đất của ông Huỳnh Thiên Quốc Chánh. Cụ thể, vào ngày 17/7/2008 ông Chánh có mượn 24m2 đất của chùa Chuông Am. Ông Nguyễn Văn Mười thay mặt Ban Quản trị chùa kí, đồng ý cho ông Chánh mượn.
Giấy ông Nguyễn Văn Mười đại diện chùa Chuông Am ký cho ông Chánh mượn 24m đất
Ngoài ra, theo hồ sơ của Ban quản trị cung cấp cho thấy có nhiều văn bản, lời khai thể hiện ông Mười là người trông coi đất Chuông Am, như giấy ông Mười cho một người dân mượn đất; văn bản hợp thức hóa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Mười, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc ghi rõ: Hiện trạng vị trí đất có một ngôi chùa, trồng cây thuốc nam và cây ăn trái.
Người mất, kẻ còn mâu thuẫn vẫn tồn tại
Gần 10 năm trôi qua, những nhân chứng lịch sử biết về nguồn gốc mảnh đất trên cũng dần qua đời, ông Nguyễn Văn Mười nay đã mất nhưng trước đó ông đã làm Giấy hiến đất cùng hợp đồng ủy quyền cho ông Lâm Việt Hải ở Thành phố Hồ Chí Minh toàn quyền quản lí và sử dụng khu đất. Trong khi đó, ông Lâm Việt Hải (Thích Phước Nguyên) đang giữ các cương vị: Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự; Ủy viên Thường trực Ban pháp chế; Phó Trưởng ban kinh tế, thuộc Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vậy thì cớ gì ông Lâm Việt Hải lại phải ra tận Phú Quốc để nhận ủy quyền quản lí đất; sửa chữa, cải tạo các tài sản trên đất?
Qua một số tài liệu và nhân chứng nói về nguồn gốc khu đất 1,7ha có thể thấy, phản ánh của BQT Chuông Am là có cơ sở.
Được biết,ngày 6/6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng tiếp tục có văn bản giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, UBND huyện Phú Quốc kiểm tra toàn bộ vụ việc báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc họp giải quyết khiếu nại cho công dân vào tháng 7/2018.
Tuy nhiên, từ đó đến nay BQT Chuông Am chưa nhận được câu trả lời và cũng chưa thấy có đoàn công tác hay cán bộ nào đến địa phương tìm hiểu, xác minh, gặp nhân chứng là dân cư địa phương.
Việc UBND huyện Phú Quốc cấp sổ đỏ trái pháp luật cho ông Nguyễn Văn Mười đã kéo dài cả chục năm, nay ông Mười đã mất… mà sự việc vẫn chưa được giải quyết. Phải chăng, sự việc đang có dấu hiệu “chìm xuồng” và cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý ra sao khi mà “người trông đất chùa” nay đã không còn?.
Hiện tại, phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Phú Quốc để làm rõ một số thông tin liên quan đến lá đơn đề nghị giúp đỡ của BQT Chuông Am. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.