Phó Thủ tướng yêu cầu theo dõi, đánh giá tác động của việc tăng giá điện

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện; công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định...
EVN sẽ phúc tra 100% trường hợp khách hàng có hóa đơn tiền điện tăng cao Giá điện, xăng dầu tăng đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên cao Nguyên nhân chính khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt là do... thời tiết Giá điện gánh cả lỗ tỷ giá, chi tuyên truyền... ?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã ký ban hành Thông báo 364/TB-BCĐĐHG thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 28/3/2019.

Nội dung đáng chú ý là việc Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp điều hành nhằm kiên quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019 ở mức từ 3,3 – 3,9% theo kịch bản điều hành giá đã đặt ra từ đầu năm.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.

pho thu tuong yeu cau theo doi danh gia tac dong cua viec tang gia dien
Ảnh minh họa.

Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, thời gian vừa qua, nhiều gia đình đã ''choáng váng'' khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4/2019 với số tiền tăng vọt.

Gia đình anh N.H (ở Hà Đông, Hà Nội) vừa ''phát hoảng'' vì nhận tờ hóa đơn tiền điện tháng 4 lên đến 3 triệu đồng (làm tròn), tăng gấp ba lần so với tháng trước đó và cũng là tăng gấp đôi so với số tiền điện bình quân lâu nay của gia đình anh.

"Gia đình tôi tháng cao nhất cùng chỉ một triệu đồng nhưng tháng này tăng vọt lên gần 3 triệu thì thật là kinh khủng. Gia đình không sử dụng gì nhiều chỉ tủ lạnh và điều hòa thì cũng chỉ tối mất bật chứ không dám bật cả ngày", ông H bức xúc.

"Dù cũng đã xác định tiền điện sẽ tăng khi giá điện đã chính thức tăng từ cuối tháng 3 nhưng không nghĩ sẽ tăng cao như vậy. Đúng là giai đoạn này đang trong cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện hay cụ thể là điều hòa có tăng về thời gian hơn bình thường một chút, nhưng hóa đơn tiền điện tăng cao như vậy quả thật là kinh hoàng'', anh H chia sẻ thêm.

Thậm chí, bức xúc, nhiều khách hàng, chủ nhà trọ còn lên mạng xã hội facebook chia sẻ thông tin cho rằng cách tính giá điện của cơ quan quản lý có gì đó sai sai.

''Tình hình là giá điện bây giờ tăng hơn 8% nhưng theo cách tính của điện lực thì toàn tăng gấp đôi. Tháng rồi mình xài 5 triệu 7 tháng này 10triệu1. Theo ý kiến các bạn chủ phòng thì mình có lên giá với khách không, giá làng bây giờ là 3500/kw, hay vẫn giữ giá cũ chấp nhận bù lỗ", một facebooker chia sẻ.

“Giá xăng thì tăng liên tục, giờ đến giá điện tăng sốc như vậy làm cho mọi kế hoạch chi tiêu bị đảo lộn, rồi bao nhiêu thứ khác ngoài thị trường kéo nhau tăng giá theo làm cuộc sống ngày càng khó khăn. Giờ cầm tờ tiền 500.000 đồng ra đường, quanh đi quẩn lại là hết mà không biết đã tiêu vào đâu”, một người dân chia sẻ.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp cũng thiệt hại đủ đường. Theo đại diện một doanh nghiệp may, mặc dù chi phí tiền điện chỉ chiếm khoảng vài phần trăm trong tổng chi phí sản xuất hàng may mặc nhưng việc tăng giá điện khiến các chi phí khác cũng tăng theo.

Cụ thể, nguyên vật liệu đầu vào tăng giá, cước phí vận chuyển tăng, chi phí bao bì, đóng gói cũng tăng làm cho giá thành sản phẩm tăng lên, trong khi nếu tăng giá bán thì khó cạnh tranh. Thêm vào đó, giá điện tăng khiến cho chi phí sinh hoạt của người lao động tăng, doanh nghiệp lại phải tìm cách hỗ trợ để giữ chân công nhân.

Liên quan đến việc này, Ngày 29/4, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã phát đi thông tin giải thích về nguyên nhân hóa đơn tiền điện tháng 4/2019 cao hơn tháng trước.

Theo đó, EVN cho biết, theo quy luật thời tiết, hằng năm thì tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C; khu vực miền Bắc đặc biệt là thủ đô Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30 độ C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.

Theo dõi số liệu sản lượng điện tại TP Hà Nội và TP HCM cho thấy trong giai đoạn cuối tháng 3/2019, đầu tháng 4/2019, việc tiêu thụ điện tại địa bàn tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên đến gần 58 triệu kWh/ngày và đạt mức cao nhất đến thời điểm này là 63,4 triệu kWh (ngày 20/4/2019) tại Hà Nội, và 71 triệu kWh/ngày đến trên 83 triệu kWh/ngày; sản lượng ngày cao nhất đến thời điểm này là 90,04 triệu kWh (ngày 24/4/2019) tại TP HCM. Mức sản lượng điện đỉnh về tiêu thụ này của TP HCM cao hơn 10% so với đỉnh của năm 2018 và đây cũng là mức tiêu thụ cao nhất đạt kỷ lục từ trước đến nay; con số này cũng cao gấp 2,5 lần so với ngày thấp nhất tính từ đầu năm 2019 (35,5 triệu kWh ngày 6/2/2019).

Bên cạnh đó là tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3/2019 theo Quyết định 648/QĐ-BCT. Trường hợp khách hàng sử dụng 400 kWh thì số tiền phải trả thêm hơn 77.725 đồng so trước thời điểm chưa tăng giá. Mức giá này sẽ còn tăng 22.600 đồng cho mỗi 100 kWh nếu khách hàng sử dụng nhiều hơn.

Theo EVN, một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày).

Như vậy số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn, kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè, cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước.

Tính đến ngày 26/4/2019, xét riêng tại địa bàn TP Hà Nội và TP HCM là 2 thành phố lớn nhất cho thấy tại Hà Nội có trên 32% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4/2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3/2019, tỷ lệ này tại TP HCM là trên 22%.

Về tiền điện tại Hà Nội có trên 46% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4/2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3/2019, tỷ lệ này tại TP HCM là trên 37%.

Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày tăng giá điện (20/3/2019), đơn vị này đã nhận được các các thắc mắc của khách hàng sử dụng điện chủ yếu qua tổng đài chăm sóc khách hàng, ngoài ra là các phản ánh của khách hàng qua mạng xã hội, các thắc mắc, kiến nghị đều được ngành điện tổ chức kiểm tra, xác minh. Trong tổng số trên 108 nghìn yêu cầu liên quan đến hoá đơn tiền điện của khách hàng thì chủ yếu là yêu cầu tra cứu thông tin về giá điện mới, tra cứu chỉ số và hoá đơn tiền điện, chỉ có trên 13 nghìn yêu cầu là các kiến nghị về chỉ số, hoá đơn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới kết hợp với việc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu bảo đảm có dư địa cho việc bình ổn thị trường. Đồng thời chủ động có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát cũng như đảm bảo dư địa điều hành cho các tháng cuối năm.
Văn Huy
Phiên bản di động