Phó Thống đốc: Không để doanh nghiệp không đủ vốn sản xuất và bị phá sản
Doanh nghiệp sai phạm thì “đánh cho họ chừa, chứ đừng đánh cho họ chết” Đại biểu Quốc hội kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp |
Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức buổi làm việc về tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 167/TB-VPCP. Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn khôi phục phát triển sản xuất, trong đó có các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lâm sản, thủy sản, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất.
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng; chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành (với mức giảm 0,5-1,5%/năm) trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân...
Hiện, mặt bằng lãi suất về cơ bản đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,21%/năm (giảm 0,2% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 9,23%/năm (giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2022).
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì buổi làm việc. |
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn phục vụ cho phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường đối với chủ đầu, người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Mặt khác, ngành ngân hàng cũng tiếp tục tích cực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục và phát triển sản xuất, các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về phía các tổ chức tín dụng cũng chủ động triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với người dân, doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường.
Theo bà Giang, tính đến ngày 16/5/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,1% so với cuối năm 2022 và tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2022. Dư nợ toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng, tăng 2,72% so với cuối năm 2022 và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (trong đó có lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp) đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 1,82% so với cuối năm 2022, chiếm gần 25% so với dư nợ toàn nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng thủy sản đạt 211.667 tỷ đồng, tăng 1,09% so với cuối năm 2022, chiếm 7% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn. Dư nợ tín dụng lâm nghiệp đạt 189.010 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2022, chiếm 6% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện Agribank cho biết, là ngân hàng phục vụ tam nông, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 65 - 70% tổng dư nợ nền kinh tế, ngân hàng luôn chú trọng cho vay lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp như thủy sản, chế biến gỗ...
Tính đến 5/5/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực thủy sản của Agribank đạt khoảng 59 nghìn tỷ đồng, chiếm 5%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, tăng 1% so với đầu năm, với 143 nghìn khách hàng.
Đối với ngành lâm nghiệp chế biến gỗ, dư nợ cho vay đạt khoảng 55 nghìn tỷ đồng, chiếm 4% dư nợ cho vay với 74 nghìn khách hàng. Bản thân ngân hàng cũng tự triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, từ khi trồng, chăm sóc đến xuất khẩu.
Tương tự, đại diện Vietcombank chia sẻ, đến hết quý I/2023, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên của ngân hàng là 408 nghìn tỷ đồng, chiếm 3 - 5% tổng dư nợ. Dư nợ của các ngành thuỷ sản, lâm nghiệp, khai thác muối… tại thời điểm cuối năm 2022 là 163 nghìn tỷ đồng, hiện nay là 155 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng tiếp tục thúc đẩy, chỉ đạo trong việc thúc đẩy mở rộng ngành hàng, trong đó có ngành hàng thuỷ sản, gỗ, lâm sản…
Tuy nhiên, vấn đề đầu ra gặp khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng, cước vận tải biển tăng 30% so với đầu năm. Vietcombank vẫn theo sát, đánh giá nhu cầu của thị trường, mặc dù tín dụng có giảm nhưng ngân hàng cố gắng duy trì dư nợ không giảm theo cấp độ giảm chung của ngành.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú một lần nữa khẳng định, nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực chủ chốt, tạo ra giá trị sản phẩm cho đất nước, trong đó, lâm sản, thuỷ sản cần sự ưu đãi và cơ chế, chính sách.
Phó Thống đốc yêu cầu, các ngân hàng thương mại Nhà nước hay cổ phần đều phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn nói chung, cũng như cần có những chính sách khẩn cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp hai ngành nghề này giữ vững được thị trường, thị phần, không để cho doanh nghiệp không đủ vốn để sản xuất và bị phá sản;
Đối với đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản, Phó Thống đốc cho rằng, nếu so với dư nợ tín dụng của hai lĩnh vực này thì gói tín dụng này là quá nhỏ và không giải quyết hết được những khó khăn hiện nay.
Theo Phó Thống đốc phải đặt ra cơ chế để hỗ trợ xử lý, khắc phục ngay chứ không đặt ra câu chuyện giới hạn ở con số 10 nghìn tỷ đồng, để làm sao duy trì hoạt động cho các doanh nghiệp trong hai lĩnh vực này.
Phó Thống đốc cũng đề nghị các ngân hàng thương mại cố gắng duy trì hạn mức đã cấp cho các doanh nghiệp, không cắt giảm hạn mức đối với hai lĩnh vực này. Trường hợp thiếu hạn mức tín dụng đối với hai lĩnh vực này, tổ chức tín dụng báo lại Ngân hàng Nhà nước để có điều chỉnh.
Về vấn đề hạ lãi suất và phí, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngân hàng cân nhắc giảm thêm một số loại phí cho doanh nghiệp…
Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước; tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách Nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP...
Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung và chương trình, chính sách tín dụng khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...