Phó Thống đốc: Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay

Ông Đào Minh Tú chia sẻ, chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay, khó như thời điểm cuối năm 2022 nhưng mức độ gay gắt đã hơn nhiều.
Thủ tướng: Ngân hàng Nhà nước cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn Thống đốc: Chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, cần thời gian để thẩm thấu việc hạ lãi suất

Đánh giá trên được Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra tại Hội thảo “tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”, diễn ra ngày 25/7.

Theo ông Đào Minh Tú, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, khó lường, sản xuất thương mại toàn cầu khó khăn; cuộc cạnh tranh chiến lược, xung đột địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất tăng lên rất nhanh, kéo dài.

Trong nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm cùng những khó khăn nội tại của nền kinh tế; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam đều gặp khó khăn từ sau dịch COVID-19; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn; lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro.

Những diễn biến này đã và đang khiến cho tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của ngành Ngân hàng ở mức thấp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.

Phó Thống đốc: Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú.

Theo Phó Thống đốc, chưa bao giờ Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay, khó như thời điểm cuối năm 2022 nhưng mức độ gay gắt đã hơn nhiều. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác.

Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn sau 2 năm đại dịch; sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn. Đối với Ngân hàng Nhà nước, rất nhiều năm qua mới điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh đó.

Ông Tú cho biết, việc tăng lãi suất hay giảm lãi suất; cung tiền ra nhiều hay ít; làm thế nào để tăng tín dụng, hài hòa giữa chất lượng và số lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia… đều là những vấn đề Ngân hàng Nhà nước, phải lưu ý và điều hành.

Sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ rất khó của Ngân hàng Nhà nước.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng ngay trong ngắn hạn; câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng; chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát...

Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm lúc này là vấn đề tín dụng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thức được trách nhiệm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này.

"Có thể nói, thanh khoản cho nền kinh tế đến thời điểm này rất dồi dào. Lãi suất - yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến giá đầu vào của doanh nghiệp được điều hành hài hòa với tỷ giá, nếu không sẽ không tạo được niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi quốc gia", ông Tú chia sẻ.

Do đó, theo Phó Thống đốc, vấn đề điều hành tín dụng đang rất được Ngân hàng Nhà nước quan tâm. Bên cạnh những giải pháp về nguồn cung tiền, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, các tổ chức dụng và tạo nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng; hạ lãi suất từ các công cụ vay vốn của các ngân hàng thương mại; các chính sách của Chính phủ chỉ đạo có tính chất hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực cần hồi phục nhanh, tạo động lực cho nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và… cũng đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, các gói tín dụng hỗ trợ ngành bất động sản như gói 120.000 tỷ đồng; gói 15.000 tỷ đồng mới được công bố và đang được triển khai cho vay lâm nghiệp, thủy sản và một loạt các chương trình khác được các ngân hàng triển khai… Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để tăng tín dụng.

Cũng chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hiện nay có một thực trạng là số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.

"Ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, thì các chính sách vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai", ông Thân nêu rõ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động