Phố đi bộ Sơn Tây - phép thử thành công của mô hình "Khu thương mại và văn hóa"

Kể từ khi bước vào hoạt động, không gian văn hóa và phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây đã trở thành cầu nối giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế. Đây có thể coi là mô hình thực tiễn tương đối thành công khi Hà Nội đang xây dựng Nghị quyết về “Khu phát triển thương mại và văn hóa” nhằm tạo cơ chế đặc thù thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào các khu vực có tiềm năng phát triển thương mại, văn hóa và du lịch.
Đưa Thành cổ Sơn Tây thành trung tâm đổi mới sáng tạo Phục dựng Thành cổ Sơn Tây, khơi dậy niềm tự hào của xứ Đoài

Cầu nối giữa di sản và thương mại

3 năm gần đây, không gian văn hóa và phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây trở thành điểm hẹn thú vị vào dịp cuối tuần dành cho người dân địa phương và du khách.

Không chỉ mang lại trải nghiệm độc đáo về văn hóa, không gian này có diễn ra các hoạt động mua sắm, kinh doanh sầm uất - từ đó, góp phần đáng kể phát triển kinh tế địa phương.

Phố đi bộ Sơn Tây - thử nghiệm thành công của mô hình "khu thương mại và văn hóa"
Không gian văn hóa và phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây

Cụ thể, mỗi tối thứ 7, khi màn đêm buông xuống là lúc người dân thị xã Sơn Tây và các huyện lân cận: Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất... và rất nhiều khách từ tỉnh Vĩnh Phúc (nhất là các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường) đổ về không gian đi bộ.

Báo cáo của UBND thị xã Sơn Tây cho thấy, qua 3 năm triển khai thí điểm hoạt động tuyến phố đi bộ, lượng khách đến với tuyến phố đi bộ ước đạt trên 130 vạn lượt khách (trung bình mỗi tối hoạt động thu hút khoảng gần 1 vạn lượt khách, cá biệt có những buổi tối tăng mạnh lên 2,5 - 3 vạn lượt khách).

Để tạo nên sức hấp dẫn của phố đi bộ, thị xã Sơn Tây đã làm đường dạo, trồng cây xanh khu vực Thành cổ, nuôi 80 đôi chim bồ câu, trang trí 250 đèn lồng khu vực đường dạo, lấy nước vào thành...

Không gian của tuyến phố đi bộ trở thành không gian của văn hóa nghệ thuật cộng đồng. Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao, Đoàn Thanh niên và các câu lạc bộ, hội nhóm nghệ thuật, các tổ chức chính trị-xã hội của thị xã chịu trách nhiệm tổ chức những hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại sân khấu trung tâm và các điểm sân khấu trong khu vực.

Phố đi bộ Sơn Tây - thử nghiệm thành công của mô hình "khu thương mại và văn hóa"
Hàng vạn người trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại Không gian văn hóa và phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây

Đáng chú ý, tại Không gian văn hóa phố đi bộ Sơn Tây, người dân còn được thưởng thức các buổi biểu diễn với những tên tuổi lớn như NSUT Xuân Bắc, Tự Long, ca sỹ Tuấn Hưng, Bùi Lê Mận...

Vào những ngày lễ, Tết, còn có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Đến nay đã có 350 lượt biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao. Các hoạt động trò chơi dân gian như nặn tò he, viết thư pháp, vẽ truyền thần, nhảy sạp, kéo co, bóng bay nghệ thuật... được triển khai đa dạng, đều đặn hàng tuần.

Phố đi bộ Sơn Tây - thử nghiệm thành công của mô hình "khu thương mại và văn hóa"
Người dân thưởng thức nghệ thuật đường phố

Những hoạt động văn hóa nói trên khiến phố đi bộ Sơn Tây trở thành "thỏi nam châm" thu hút hàng vạn khách du lịch. Đồng thời, sự quy tụ của các cửa hàng, các dịch vụ thương mại tại khu phố đi bộ vô hình chung đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy kinh tế của thị xã Sơn Tây.

Trong 3 năm vừa qua, các sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP của Hà Nội và các vùng miền, sự kiện Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hay thậm chí Lễ hội mít Sơn Tây đều được người tiêu dùng đón nhận hồ hởi. Sức mua tăng mạnh, khiến các nhãn hàng, các thương hiệu đều chọn địa phương này như điểm đến lý tưởng để kinh doanh và quảng bá sản phẩm.

Thí điểm “Khu phát triển thương mại và văn hóa”

Thời gian này, thực hiện quy định tại Khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô, Hà Nội đang tích cực xây dựng dự thảo Nghị quyết về “Khu phát triển thương mại và văn hóa” nhằm tạo cơ chế đặc thù thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào các khu vực có tiềm năng phát triển thương mại, văn hóa và du lịch.

Theo dự thảo nghị quyết, khu phát triển thương mại và văn hóa được thành lập tại các địa điểm có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, khu du lịch hoặc điểm du lịch được Nhà nước và quốc tế công nhận.

Phố đi bộ Sơn Tây - thử nghiệm thành công của mô hình "khu thương mại và văn hóa"
Văn hóa dân gian được trình bày trong không gian mới lạ của phố đi bộ

Mục tiêu chính là thu hút và phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại, bảo tồn các ngành nghề truyền thống, đồng thời cải thiện đời sống người dân.

"... Sự ra đời Không gian văn hóa và phố đi bộ quanh hào thành cổ Sơn Tây đã đưa ra gợi mở cho thị xã về phát triển khu thương mại và văn hóa", Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho hay.

Điểm nổi bật của mô hình này là nguyên tắc tự nguyện, tự quản và đảm bảo sự đồng thuận của đa số cư dân trên địa bàn, với các tiêu chuẩn về văn hóa kinh doanh, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định hiện hành.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho hay, việc cho ra đời Không gian văn hóa và phố đi bộ quanh hào thành cổ Sơn Tây đã đưa ra gợi mở cho thị xã về phát triển khu thương mại và văn hóa. Sau 3 năm vận hành mô hình này, thị xã đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm quý báu nhằm biến nguồn lực văn hóa trở thành động lực phát triển.

Phố đi bộ Sơn Tây - thử nghiệm thành công của mô hình "khu thương mại và văn hóa"
Các đội nhóm của Sơn Tây truyền nhiệt cho khán giả

Theo đó, xuất phát từ sự thống nhất đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân; thị xã Sơn Tây nghiên cứu và phát huy giá trị của công trình độc đáo, mang đậm dấu ẩn lịch sử là thành cổ Sơn Tây cùng với các kiến trúc phụ cận để xây dựng không gian văn hóa, phố đi bộ. Đây là mũi tên hướng đến nhiều đích, trong đó có thể kể tới mục tiêu phát triển du lịch, thương mại cùng như xây dựng thương hiệu của Sơn Tây.

Quá trình duy trì phố đi bộ trong 36 tháng, tương đương 144 buổi tối đòi hỏi sự kiên trì và kỹ năng tổ chức cao. Thời gian đầu, thị xã mời các câu lạc bộ, hội nhóm và chuyên gia từ các quận trung tâm thành phố đến biểu diễn tại phố đi bộ. Những đội nhóm này truyền lửa, đồng thời hướng dẫn các đội nhóm địa phương. Từ đó, Sơn Tây hình thành hàng loạt câu lạc bộ nghệ thuật đường phố như Black Shuffle, Sontay dance sport... Các đội nhóm này dần trưởng thành và đủ sức khuấy động phố đi bộ mỗi dịp cuối tuần.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa các hoạt động đầu tư, tổ chức các hoạt động phục vụ cho phố đi bộ cũng được Sơn Tây tích cực đẩy mạnh. Thị xã đã huy động được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và Nhân dân thị xã với kinh phí ước quy đổi lên đến hàng chục tỷ đồng, tiêu biểu như sự ủng hộ của Tập đoàn CĐ Bắc Ninh, Tập đoàn T&T, Công ty truyền thông Hàm Nghi Media, các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã... và các cá nhân nghệ sỹ như ca sỹ Tuấn Hưng, nghệ sỹ Xuân Bắc...

Phố đi bộ Sơn Tây - thử nghiệm thành công của mô hình "khu thương mại và văn hóa"

"Sau 3 năm hoạt động, chúng tôi tin tưởng rằng Không gian văn hóa và phố đi bộ quanh hào thành cổ Sơn Tây đã và đang đi đúng hướng, khẳng định vai trò cầu nối giữa di sản và phát triển kinh tế. Thời gian tới, Sơn Tây tiếp tục nghiên cứu, mở rộng không gian văn hóa này về phía chợ Nghệ, từ đó, tạo ra khu thương mại dịch vụ văn hóa xứng tầm với bề dày truyền thống của địa phương", đồng chí Trần Anh Tuấn cho hay.

Vũ Cường
Phiên bản di động