Phim ‘The Platform’ - ẩn dụ xã hội đằng sau chuyện ‘miếng ăn là miếng nhục’
Thể loại: Kinh dị, giả tưởng
Đạo diễn: Galder Gaztelu-Urrutia
Diễn viên: Iván Massagué, Zorion Eguileor, Antonia San Juan
Bộ phim The Platform mở đầu bằng cảnh nhân vật Goreng (Iván Massagué) thức dậy trong một nhà tù nhiều tầng khép kín, bên cạnh một người khác. Họ đang ở tầng 48 trong một thí nghiệm tàn bạo.
Hàng ngày, một chiếc bàn xếp đầy thức ăn sẽ được đưa dần từ tầng cao nhất (tầng 0) xuống các tầng tiếp theo. Nếu như mỗi người chỉ lấy đủ khẩu phần ăn để duy trì sự sống, chiếc bàn sẽ còn đủ đồ cho tới tận các tầng cuối. Cũng theo luật, tù nhân không được phép tích trữ đồ ăn trong phòng của mình.
Dĩ nhiên, cuộc đời không bao giờ vận động theo cách đó. Những người ở tầng cao nhất tranh thủ tống tọng đồ ăn đẫy mồm, còn người ở dưới thì đánh giết nhau để giành giật chút cơm thừa canh cặn.
Càng ở các tầng thấp, khả năng sống sót càng ít ỏi. Cứ mỗi tháng, người thí nghiệm được đổi ngẫu nhiên sang tầng khác. Nếu may mắn, họ được ở những tầng trên. Còn vào những ngày xấu trời, hãy chờ đợi cơn hoảng sợ với những diễn biến gây sốc.
Khi cái đói đánh thức bản năng nguyên thủy
Trong cấu trúc đặc quánh bê tông tù túng mang tên “Cái Hố”, con người bị tước đi bản tính văn minh quý giá mà nhân loại đã mất hàng nghìn năm để xây dựng. Đối mặt với cơn đói thường trực, các nhân vật đạp đổ đạo đức, niềm tin, tự trọng để nhường chỗ cho bản năng sinh tồn.
“Ăn hoặc bị ăn”, đó là những gì ông già Trimagasi (Zorion Eguileor) nói với Goreng lúc này vẫn còn đang bối rối trước những hành động vơ vét bẩn thỉu.
Xuyên suốt The Platform là nhiều hình ảnh đối lập gây sốc. |
Trong “Cái Hố”, cuốn Don Quixote của anh trở nên kệch cỡm với con dao tự mài sắc của Trimagasi. The Platform đánh động giác quan của người xem bằng sự đối lập giữa mâm tiệc ê hề được chế biến bởi những đầu bếp có tâm nhất, với những bàn tay vồ vập ngấu nghiến no dồn đói góp vì không biết ngày mai còn sống hay không; giữa những người tầng cao ăn không hết với đám người tầng thấp lần chẳng ra; giữa ẩm thực tinh tế với những xác chết máu thịt bầy nhầy.
Với những chi tiết máu me, bộ phim càng về cuối càng trở nên nặng nề, và thực sự không dành cho những ai yếu tim.
Thí nghiệm về phản ứng xã hội: bài toán về miếng ăn và nhân phẩm
Nếu như đứng trước một bàn tiệc bày biện ê hề trước mắt, liệu bạn chỉ ăn phần của mình để đảm bảo những người ở tầng 100, 200 cũng có cái ăn, hay sẽ vục mặt ăn thật no vì biết đâu tháng sau lại chẳng có gì cho vào bụng?
Kịch bản của cặp biên kịch David Desola - Pedro Rivero đã cho thấy một viễn cảnh tương tự như cái cách nhiều người đang đối mặt với thảm họa ngày nay: họ tích trữ, cướp phá, hoặc đơn giản nhất, bỏ mặc người khác.
Thí nghiệm trong phim sớm cho thấy những điều bất ổn. |
Xuất phát từ bản năng nguyên sơ luôn lo sợ về tương lai bất định, phần lớn lựa chọn giải pháp có lợi cho bản thân. Như Nam Cao từng nói, “một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất...”.
Sự tranh đấu nội tâm của Goreng đã khái quát phản ứng của cộng đồng trước những hành vi tha hóa. Có lúc anh lấy lại được niềm tin, hy vọng, nhưng cũng có khi anh hoàn toàn mất kiểm soát bởi sự kinh hoàng đã vượt quá ranh giới chịu đựng.
The Platform không hoàn toàn chỉ trích những kẻ có cả bàn tiệc trong tay (tức người giàu), mà hướng trách nhiệm đến từng cá nhân trong xã hội. Từ đó, bộ phim phê phán chủ nghĩa tư bản trong khi mô tả bản thân hệ thống vận hành “Cái Hố” đã bộc lộ những vấn đề (qua việc bà nhân viên tiết lộ sai thông tin cho Goreng). Nhân vật Trimagasi đại diện cho những mặt trái của xã hội hàng hóa, thông qua chuyện ông này mua con dao sau khi nghe quảng cáo và các hành vi vị kỷ đến máu lạnh.
Càng về cuối, bộ phim càng máu me. Kết phim tuy hụt hẫng, nhưng phù hợp với những gì đã đặt ra trước đó. |
The Platform dừng lại ở một tác phẩm kinh dị hấp dẫn với câu chuyện sáng tạo mà không cố gắng trả lời những vấn đề, có lẽ là quá tầm, mà nó đưa ra. Đó là một quyết định thông minh bởi ê-kíp đã nhận ra hạn chế trong khả năng đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng cho những câu hỏi liên quan đến cả một hệ thống xã hội đang vận hành.
Điều đó dẫn đến việc cái kết phim có phần hụt hẫng. Tuy nhiên, chừng đó là quá đủ để tác phẩm trở thành hồi chuông thức tỉnh thái độ con người trong xã hội đứng trước thảm họa, nhất là khi một bộ phận đã và đang trở nên ích kỷ, đẩy những người kém may mắn hơn vào lựa chọn cùng quẫn.