Phật viện Đồng Dương ở Quảng Nam được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt
Phế tích Phật viện Đồng Dương |
Sáng 7/12, tại xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ đón nhận Di tích khảo cổ Phật viện Đồng Dương được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trước đó, ngày 22/12/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2499/QĐ-TTg xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích khảo cổ Phật viện Đồng Dương.
Phật viện Đồng Dương là khu phế tích Chăm Đồng Dương nằm trên địa phận làng Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 65km về phía Tây Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 40km về phía Tây Bắc, từ ngã tư thị trấn Hà Lam đi về hướng Tây khoảng 10km. Khu phế tích Chăm – Đồng Dương còn có tên là Phật viện Đồng Dương.
Năm 875 nơi đây từng là một tu viện lớn |
Nơi đây, năm 875, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lookesvara Svabhayada. Phật viện Đồng Dương tồn tại gần 600 năm (từ năm 875 đến sau năm 1301).
Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương. Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Champa lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati, văn bia này cho biết tên của kinh đô mới là Indrapura, theo một số nhà nghiên cứu thì địa điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.
Thời gian, thiên nhiên và chiến tranh… đã bị tàn phá nặng nề đến khu di tích quan trọng vào bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Champa. Vì thế vết tích chỉ còn một mảng tường tháp mà nhân dân địa phương thường gọi là “Tháp sáng”, cùng với nền móng các công trình kiến trúc và một số dạng trang trí kiến trúc.
Năm 1901, L.Finol, một học giả người Pháp, đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng đồng cao 108cm, theo các nhà nghiên cứu thì pho tượng Phật này mang nhiều yếu tố của nghệ thuật Ấn độ.
Theo đó, năm 1902, H.Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương, ông đã tìm thấy khu kiến trúc chính của Thánh địa cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá.
Theo khảo tả của H.Parrmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m, chạy về phía Đông đền một thung lũng hình chữ nhật. Khu đền thờ chính gồm có 3 nhóm kiến trúc kéo dài theo trục Đông Tây, các nhóm này được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch.
Các nhà khảo cổ ghi lại dấu vết nền móng của khu nhà dài mà các nhà nghiên cứu cho là tu viện phật giáo (Vihara). Ngôi nhà dài có mặt bằng hình chữ nhật với hai hàng cột song song theo trục Đông Tây, mỗi hàng có 8 cột xây bằng gạch, mái nhà có cột khung gỗ và lợp bằng ngói, trong khu vực này có một bệ thờ lớn bằng sa thạch, được chạm trổ nhiều hình người và hoa văn rất tinh tế.
Phía trên bệ thờ là một pho tượng Phật Thích ca rất lớn, ngối trên ghế, hai bàn tay để trên đầu gối, kiểu giống như vua Champa ngồi trên ngai vàng. Trong khu vực này còn tìm thấy một số tượng Dharmapala (những vị thần bảo vệ luật giáo của đạo Phật) ngồi trên những bệ đá cạnh hai hàng cột gạch.
Nhóm giữa, hiện chỉ còn lại dấu vết các chân tường, các bậc thềm của một ngôi nhà dài theo trục Đông Tây. Ngôi nhà này có tường gạch không dày lắm, cửa ra vào nằm ở hai đầu hồi, trên hai vách tường có nhiều cửa sổ. Ngôi nhà này cũng được lợp ngói. Ở đây có 4 pho tượng Hộ pháp (Dvarapala) khá lớn, cao khoảng 2m, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là những tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong nghệ thuật điêu khắc Champa.
Nhóm phía Tây: Gồm các đền thờ chính và các tháp phụ chung quanh, đền thờ này thuộc loại tháp truyền thống của kiến trúc Champa. Với mặt hình tứ giác, cửa ra vào ở hướng Đông, phía trước có tiền sảnh khá dài, quanh các mặt tường có trụ ốp tường được chạm những dải hoa văn cành lá cách điệu rậm rịt và xoắn xít như dạng vết sâu bò, đó là loại hoa văn đặt trưng của phong cách Đồng Dương.
Quanh chân tháp trang trí những hình đầu voi và những hình tháp thu nhỏ nằm xen kẻ nhau. Trong đền thờ có một bệ lớn bằng sa thạch, chạm trổ những dải hoa văn có vết sâu bọ, những cảnh sinh hoạt trong cung đình, một số cảnh trích đoạn về cuộc đời đức phật Thích Ca.
Những đường nét trên các tượng người ở Đồng Dương được thể hiện cường điệu quá mức, đàn ông có gương mặt gần như vuông, trán thấp, cung lông mày to rậm và giao nhau, mũi to, miệng rộng, môi dày, ria mép rậm, tướng phụ nữ có gương mặt hơi thô và bộ ngực quá lớn.
Năm 1978, nhân dân địa phương đã đào được một pho tượng Nữ Thần làm bằng đồng thau, cao 114cm, ở gần khu đền thờ chính. Theo các nhà nghiên cứu, đây là pho tượng Bồ tát Laskmindra – Lokesvara, trước kia pho tượng này được đặt trên bệ thờ của đền thờ chính.
Tháng 6/1996 Viện Khảo cổ học Việt Nam, trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam – Đà nẵng (cũ) đã phối hợp khảo sát tại làng Đồng Dương. Các nhà khảo cổ đã nhận thấy ngoài những dấu tích kiến trúc của khu Phật viện, dấu vết cư trú của con người thời kỳ vương quốc Champa tại làng Đồng Dương không nhiều.
Khu vực làng Đồng Dương khí hậu rất khắc nghiệt, đất đai khô cằn, lớp đất canh tác chỉ dày khoảng 40-50cm, có nơi chi dày 20cm, bên dưới là tầng đá ong, đây không phải là nơi thuận tiện để xây dựng kinh đô, có thể nói Đồng Dương chỉ thuần túy là khu Thánh địa Phật giáo của vương quốc Champa, còn kinh đô Indrapura phải là một khu vực rộng lớn hơn, nằm ngoài khu Phật viện Đồng Dương.
Năm 1902, kiến trúc sư, nhà khảo cổ người Pháp H.Parmentir đã khai quật di tích Đồng Dường, ông tìm thấy khu kiến trúc chính của khu đền thờ , cùng nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở Phật Viện Đồng Dương hiện đang trưng bày ở Viện Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chămpa Đà nẵng.
Những tác phẩm điêu khắc ở thời kỳ này mang những yếu tố Phật giáo Đại thừa kết hợp với nghệ thuật Ấn Độ giáo, cùng với sự sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân bản địa, đã hình thành nên phong cách Đồng dương nổi tiếng trong nghệ thuật Chămpa từ giữa, đến cuối thế kỷ thứ IX.