Phát hiện thêm bãi cọc cổ hàng nghìn tuổi Quảng Ninh
Cửa hàng kinh doanh đồ thời trang nhập lậu ở Quảng Ninh Quảng Ninh: Cảng than của Công ty TTP có đang “bức tử” vịnh Bái Tử Long? Thu giữ 300 tấn hàng lậu "chui" qua cửa khẩu |
Trên diện tích gần 300m2 được khai quật từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Đại học Hạ Long và Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện thêm 11 cột gỗ lớn, cột lớn nhất có đường kính 40cm, cùng nhiều cọc nhỏ và dấu cọc gỗ.
Các cột ở đây khá lớn và có tuổi đời khá cao. Ảnh: Xuân Quảng |
Nhiều cột gỗ trong đó là gỗ sến, đáy cột phẳng, kỹ thuật cắm theo phương pháp dộng lắc. Dựa theo diện phân bố các cột, cọc gỗ, các nhà khoa học đang đặt giả thuyết đây là một bộ phận của một kiến trúc khá lớn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh – giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chủ trì việc khai quật – những cột gỗ này có khả năng thuộc về một kiến trúc có niên đại vào thế kỷ thứ III, IV trước Công nguyên. Nếu như dự đoán về mặt niên đại này là đúng, thì có thể ở đây từng có một quần thể kiến trúc cư trú của cư dân sống vào giai đoạn văn hoá Đông Sơn.
Trước đó, tại thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, các nhà khoa học cũng đã phát hiện tấm bia Tam Bảo địa – đất Tam Bảo, được khắc trực tiếp vào núi, trên có ghi chép thời điểm khắc bia vào năm Thiệu Phong thứ 8 (năm 1348), đời vua Trần Dụ Tông, công chúa Bảo Hoàn và chồng là Trần Khắc Chung cúng dường Trang Ma Liệu làm của Tam Bảo. Bên trái bia ghi chép nơi đây đã đón vua vi hành tới, vua đổi tên Trang Ma Liệu thành Thiên Liêu Sơn, đổi tên ngôi chùa tại đây thành chùa Sùng Nhân. Trong khu vực này, cũng đã khai quật và xác định vị trí một công trình kiến trúc lớn với hệ thống kè, cột, hành lang phức tạp.
Cách Tam Bảo địa khoảng 100m là Thiên Long Uyển – tức Vườn Nghìn Rồng, với ba chữ Thiên Long Uyển bằng chữ Hán được khắc trực tiếp trên núi Thiên Liêu. Nơi đây cũng được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đặt giả thuyết là nơi hai vua Trần là Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đặt đại bản doanh chỉ huy trận Bạch Đằng đánh bại quân Nguyên Mông năm 1288, bởi vị trí địa quân sự chiến lược, tầm nhìn bao quát toàn bộ chiến trường cả đường thuỷ lẫn đường bộ. Trên núi Thiên Liêu hiện vẫn còn những hang động lớn nhỏ, cũng như vị trí đài quan sát.
Vào năm 2017, tại đầm Lải, cũng ở xã Yên Đức, tiến hành khai quật khảo cổ học, các chuyên gia trong và ngoài nước tìm thấy một bãi cọc cổ khá lớn.
Bãi cọc ở đầm Lải, xã Yên Đức được khai quật năm 2017. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh |
Nằm gần sông Đá Bạc - con sông kết hợp với sông Giá để tạo thành sông Bạch Đằng lịch sử, lại ở khu vực dày đặc các di tích liên quan, gắn bó với nhà Trần, nên lúc đầu, nhiều người nhận định bãi cọc này có thể liên quan đến chiến thắng lừng danh Bạch Đằng năm 1288.
Tuy nhiên, qua khai quật khảo cổ cho thấy cọc ở đây khá khác biệt với cọc Bạch Đằng 1288. Rõ nhất là các cọc gỗ thường có các mộng hình chữ nhật được khắc vào thân cọc, sát đầu cọc hoặc cách đầu cọc từ 16 - 20 cm. Điều quan trọng là, kết quả xác định C14 cho thấy, niên đại cọc vào khoảng thế kỷ IV - III trước Công nguyên. Thời điểm đó, các chuyên gia nhận định rằng, những cọc gỗ này có thể liên quan nhiều hơn đến một hay nhiều công trình kiến trúc nào đó.
Một cây cọc cổ được khai quật tại đầm Lải, xã Yên Đức năm 2017. Ảnh tư liệu Bảo tàng Quảng Ninh |
Ngoài các cây cọc, các chuyên gia còn còn thu được số hiện vật như vật liệu kiến trúc, đồ gốm men, đồ gốm và sành thô, sành mịn thuộc về thời Đông Hán và thời Trần.
Quá trình khai quật khảo cổ cho thấy, dấu vết các cột gỗ không chỉ dừng ở vị trí khai quật. Tuy nhiên, việc khai quật chỉ dừng ở phạm vi nhỏ và sau đó lấp đất trở lại để trả mặt bằng cho các hộ dân.