"Ông trùm" xăng dầu thoái sạch vốn và nỗi lo hơn 560 tỷ nợ nguy cơ mất vốn của PG Bank
'Ông trùm' xăng dầu Việt Nam sẽ thoái sạch vốn tại PG Bank Mối liên hệ giữa MSB và PG Bank: Bí mật gì đằng sau? |
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) mới đây đã thông báo về việc đăng ký tham gia bán đấu giá cổ phiếu ra công chúng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sở hữu tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).
Theo đó đã có có tổng cộng 16 nhà đầu tư đã đăng ký tham gia đấu giá, bao gồm 9 cá nhân và 7 tổ chức trong nước, với tổng số cổ phiếu được đăng ký mua là gần 213 triệu đơn vị, gần gấp đôi lượng cổ phần Petrolimex chào bán.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước đăng ký mua hơn 13,5 triệu đơn vị, tổ chức trong nước đăng ký mua hơn 199 triệu đơn vị.
Trước đó, ngày 6/3, Petrolimex cũng đã công bố thông tin bán đấu giá 100% cổ phiếu đang sở hữu tại PG Bank, tương ứng 120 triệu cổ phiếu PG Bank phổ thông và tự do chuyển nhượng ra công chúng.
Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank). |
Giá đấu khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phiếu theo phương thức đấu giá công khai vào lúc 9h ngày 7/4 tại HOSE. Các nhà đầu tư có thể đăng ký số lượng mua tối thiểu là 100 cổ phiếu hoặc nhiều hơn theo bội số của 100 cổ phiếu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện PG Bank là một trong những ngân hàng quy mô nhỏ nhất thị trường với vốn điều lệ ở mức tối thiểu theo quy định 3.000 tỷ đồng.
Trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 vừa công bố, năm nay, PG Bank tiếp tục không có kế hoạch tăng vốn điều lệ. Đây là năm thứ 13 liên tiếp nhà băng này không tăng vốn điều lệ và năm thứ 11 liên tiếp không chia cổ tức.
Năm 2010, PG Bank từng thực hiện tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần mới và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Trước đó, Nhà nước đã yêu cầu cổ đông lớn của PG Bank là Petrolimex phải thoái vốn tại ngân hàng từ nhiều năm qua. Vì vậy, "ông trùm" xăng dầu Việt Nam không thể góp thêm vốn vào ngân hàng này thông qua hoạt động chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Trong khi đó, PG Bank cũng chưa đủ điều kiện để chia cổ tức bằng tiền mặt do vẫn còn các khoản nợ tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Tính đến ngày 31/12/2022, PG Bank còn 951,9 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC.
Mặt khác, từ nay đến năm 2025, các ngân hàng có quy mô vốn điều lệ tối thiểu dưới 5.000 tỷ như PGBank sẽ phải chịu áp lực tăng vốn để đáp ứng theo yêu cầu tại Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025". Trường hợp không thể tăng vốn điều lệ, các ngân hàng này có thể sẽ buộc phải tính đến giải pháp hợp nhất và sáp nhập, nhằm tăng quy mô đáp ứng theo yêu cầu.
Về tình hình tài chính kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa được PG Bank công bố, năm 2022, mặc dù đã phải dành ra 272 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 56% so với năm trước, nhưng ngân hàng vẫn thu được gần 506 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 54%.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của PG Bank tăng 21% so với đầu năm, lên 48.991 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 17% còn 855 tỷ đồng; tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng 47% lên 11.040 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 6% lên mức 29.050 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tính đến ngày 31/12/2022 của PG Bank là 745 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Trong đó, khoản nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều giảm, trong khi nợ có khả năng mất vốn lại tăng mạnh 16% lên mức 562 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay tăng nhẹ từ mức 2,52% đầu năm lên 2,56%.