Mối liên hệ giữa MSB và PG Bank: Bí mật gì đằng sau?

Lãnh đạo MSB và PG Bank đều khẳng định sẽ không có cuộc sáp nhập nào, song giới tài chính cũng có quyền nghi ngờ về mối liên hệ này sau loạt động thái lạ.
Bất thường hay bình thường khi loạt “người cũ” MSB sang “làm to” tại PG Bank? Tổng giám đốc MSB phủ nhận việc sáp nhập PG Bank

Tin đồn về mối liên hệ giữa Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank) đã xuất hiện từ lâu. Lãnh đạo các bên cũng đều đã lên tiếng phủ nhận các câu chuyện sáp nhập, thâu tóm.

Theo đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 diễn ra chiều 30/3/2021, ông Nguyễn Quang Định - Chủ tịch Hội đồng quản trị PG Bank cho biết, sau thương vụ sáp nhập thất bại với Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) thì PG Bank chưa có kế hoạch tìm kiếm đối tác nào khác và đề ra chủ trương củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy để hoạt động độc lập.

Việc PG Bank sáp nhập với HDBank bị kéo dài và đến nay mới dừng hẳn trùng với thời điểm trong bộ máy điều hành của PG Bank lần lượt có nhiều người của MSB đến tham gia và nắm những chức vụ quan trọng.

hồi trung tuần tháng 5/2020, một "tướng" của MSB là ông Hoàng Xuân Hiệp sang đầu quân cho PG Bank và hiện là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.

Tiếp đến, vào đầu tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB cũng được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc và hiện nay là Tổng Giám đốc PG Bank.

Về vấn đề này, tại Đại hội đồng cổ đông của MSB diễn ra ngày 24/3/2021, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB cho biết, các nhân sự này chuyển sang PG Bank thì đã chấm dứt hợp đồng lao động tại MSB do không còn phù hợp với kế hoạch kinh doanh ngân hàng, đặc biệt với kế hoạch thoái vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM).

“Quả thật có một số lãnh đạo cũ của MSB đang làm sếp tại PG Bank nhưng việc PG Bank và MSB về một nhà là điều chắc chắn không thể xảy ra”, ông Linh thừa nhận.

Mối liên hệ giữa MSB và PG Bank: Bí mật gì đằng sau?
Ảnh minh họa.

Ông Linh khẳng định như vậy thì rõ ràng là không có chuyện PG Bank sẽ sáp nhập vào MSB. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng có cơ sở đặt dấu hỏi về việc tại sao hàng loạt người cũ của MSB lại rời ngân hàng để sang nắm giữ các chức vụ quan trọng tại PG Bank?

Bởi, tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 diễn ra hồi tháng 3/2021 vừa qua, cổ đông PG Bank cũng đã thông qua bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị và một thành viên Ban kiểm soát. Cả hai nhân sự mới của PG Bank đều là lãnh đạo cũ của MSB.

Cụ thể, ông Nilesh RatilalBanglorewala được bầu vào Hội đồng quản trị PG Bank nhiệm kỳ 2020-2025. Theo lý lịch trích ngang, ông Nilesh có 33 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng làm việc hơn 10 năm tại MSB. Vị trí gần nhất là Giám đốc khối quản lý tài chính kiêm kế toán trưởng MSB (giai đoạn 2015-2020)

Bên cạnh đó, bà Dương Ánh Tuyết cũng được bầu vào Ban Kiểm soát PG Bank. Bà Tuyết công tác tại MSB từ năm 2011, vị trí gần nhất bà này nắm giữ là thành viên Ủy ban nhân sự MSB, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM, công ty thành viên của MSB).

Một cơ sở khác để giới tài chính nghi ngờ về mối liên hệ giữa MSB và PG Bank là vợ chồng ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch MSB (vợ là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam).

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là nguyên đại biểu Quốc hội, trước đó, bà này bị xóa tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV vì vi phạm Luật Quốc tịch Nhà nước CHXHCN Việt Nam sau bê bối nhập quốc tịch Cộng hòa Malta vào năm 2016.

Theo tìm hiểu của phóng viên, TNG Holdings Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với PGBank, được giới thiệu là đơn vị liên kết, tương tự MSB. Trên website của TNG Holdings Việt Nam giới thiệu công ty và PG Bank là hệ sinh thái liên kết.

Mặt khác, theo tìm hiểu của phóng viên, trước đó, MSB đã từng là cổ đông lớn tại PG Bank. Sau đó, MSB đã từng bước rút vốn và đến nay đã không còn sở hữu cổ phần nào tại PG Bank.

Vì sao lại như vậy, vì theo Khoản 3, Điều 2, Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định: a) Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá hai (02) tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng thương mại đó; b) Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó.

Trong khi đó, hiện tại MSB đang nắm giữ 3,33% vốn Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVComBank) và 1,31% vốn Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Vì vậy, việc MSB rút vốn tại PG Bank là bắt buộc, không thì sẽ phải rút vốn một trong hai ngân hàng trên.

Trong những báo cáo gần đây, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát; tình trạng sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng giảm mạnh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính cho rằng, sở hữu chéo vẫn là vấn đề cần quan tâm bởi quy định hiện hành chưa giám sát hết các mối quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng với doanh nghiệp sân sau của cổ đông lớn.

Theo phân tích, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hiện đều có cổ đông lớn là ông chủ, bà chủ của các tập đoàn bất động sản. Mối lợi của các cổ đông này khi nắm giữ cổ phiếu ngân hàng không phải từ việc tăng giá cổ phiếu, hay khoản cổ tức không mấy hấp dẫn của nhà băng mà sau khi trở thành cổ đông lớn của ngân hàng là có thể “bẻ lái” tín dụng đến dự án bất động sản sân sau.

Trên thực tế, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, quan hệ tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp giữa ngân hàng với doan nghiệp bất động sản sân sau đều có những liên hệ nhất định.

Hơn nữa, việc sở hữu chéo cũng tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng, cản trở đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó đáng ngại nhất là nguy cơ phá vỡ các quy định về an toàn quản trị.

Liên quan đến mối liên hệ giữa MSB và GP Bank, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã liên hệ với ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) để nhận định về vấn đề này nhưng ông Phi từ chối thông tin.

(Còn tiếp)...

Văn Thành Nhân
Phiên bản di động