Ông Trần Bá Dương: Giải cứu nông sản thái quá làm mất nhuệ khí kinh doanh
Ông Trần Bá Dương chi 2.000 tỷ nuôi heo cùng Hùng Vương Bầu Đức bán hết vốn tại công ty bất động sản cho ông Trần Bá Dương |
"Làm kinh doanh mà phải chờ giải cứu thì không phải kinh doanh", ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco nói tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hoá nông nghiệp" sáng 21/2.
Đồng tình với tinh thần "tương thân, tương ái", song ông cho rằng, việc giải cứu nông sản của một số tổ chức xã hội vừa rồi khiến những nhà làm nông nghiệp như ông cảm thấy chạnh lòng. "Việc sản phẩm đổ đầy đường rồi nói là giải cứu làm mất đi nhuệ khí, thậm chí mất đi tinh thần tự do của sản xuất kinh tế thị trường", ông nói.
Chủ tịch Thaco nhìn nhận, nông dân phải tham gia vào chuỗi kinh doanh theo cơ chế thị trường. Khi họ ý thức được điều này thì mới sản xuất được theo chuỗi liên kết và doanh nghiệp sẵn sàng bảo vệ đối tác của mình. "Trong chuỗi sản xuất, nhà doanh nghiệp lớn đương nhiên phải bảo vệ đối tác trong chuỗi giá trị của mình. Nông dân làm cho chúng tôi, chúng tôi phải bảo vệ", ông nói.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco). Ảnh: Hoài Thu |
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, cơ giới hoá nông nghiệp và công nghiệp chế biến đã phát triển trong 10 năm qua với công suất khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu một năm, cùng hơn 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, máy móc công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún. Một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ... chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Chủ trì hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, Nhà nước cần tập trung vào chính sách nào được coi là "cú đấm thép" để tháo gỡ vướng mắc, phát triển công nghiệp cơ giới hoá, chế biến nông sản tốt hơn.
Góp ý thêm, ông Trần Bá Dương cho rằng, ngành nông nghiệp phải cơ cấu lại dựa vào thị trường theo hai hướng, một là sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cơ giới hoá, tổ chức sản xuất với sản lượng, chất lượng ổn định và phân phối ở các thị trường lớn. Ở quy mô sản xuất nhỏ hơn thì phải theo hướng tam nông. Các tập đoàn đưa ra mô hình sản xuất kinh doanh, cam kết cung ứng thị trường, sau đó chuyển giao cho nông dân. Sản phẩm khu vực này sẽ bán vào những thị trường ngách.
Nhưng điểm thiếu hiện nay theo ông Dương và ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký VASEP là mối liên kết giữa sản xuất, phân phối "chưa có người cầm trịch, chịu trách nhiệm với nền kinh tế, xã hội". "Thiếu một người nhạc trưởng trong tạo ra mối liên kết sản xuất nông nghiệp", ông Hoài Nam nói.
Mặt khác, đại diện Thaco đánh giá, sản xuất nông nghiệp hiện bị vô cơ hoá quá nặng, sản phẩm giá trị thấp nên cần chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ tích hợp từ khâu trồng, nuôi, bảo quản. Ông Dương cam kết doanh nghiệp mình sẽ "làm cho ra ngành nông nghiệp hữu cơ tích hợp" từ cây ăn trái, chăn nuôi.
Tuy nhiên, khó khăn với các doanh nghiệp lớn nhất hiện nay là vốn. Ông Trần Bá Dương nói các ngân hàng hiện vẫn còn tâm lý lo ngại rủi ro khi cho vay đầu tư vào nông nghiệp.
Phó tổng thư ký VASEP cũng coi đây là "nút thắt cản trở doanh nghiệp nông nghiệp lớn mạnh". Ông đề nghị ngân hàng cần "cởi mở" hơn và mở hầu bao với ngành nông nghiệp.
Nhưng ông khẳng định, nếu cách làm nông nghiệp khác đi thì sẽ không có rủi ro, đảm bảo nông nghiệp sẽ là ngành chủ lực, đóng góp lớn cho kinh tế.
"Làm nông nghiệp mà thua lỗ thì gia đình chúng tôi mất tiền trước. Tôi sẵn sàng thế chấp mọi thứ và ao ước được làm nông nghiệp", ông chủ Thaco nói.