‘Ông lớn’ lúa gạo Angimex tiếp tục chậm trả lãi lô trái phiếu 210 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) tiếp tục chậm trả lãi kỳ 4 của lô trái phiếu mã AGMH2223001, với dư nợ 210 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cấm các nhà băng thông tin sai sự thật về trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cần có kế hoạch phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp rõ ràng hơn FiinRatings: Có 67 doanh nghiệp chậm thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nhà đầu tư sở hữu trái phiếu về việc chậm thanh toán lãi kỳ 4 của lô trái phiếu mã AGMH2223001.

Theo đó, Angimex chưa thu xếp được nguồn thanh toán lãi đến hạn kỳ 4 gói trái phiếu mã AGMH2223001 (kỳ trả lãi từ 14/12/2022 đến 14/3/2023). Công ty cho biết sẽ thực hiện đàm phán với ban đại diện chủ sở hữu trái phiếu để xin gia hạn thời gian thanh toán khoản lãi.

Trước đó, cuối tháng 12/2022, Angimex cũng đã công bố thông tin chậm thanh toán lãi kỳ 3 của gói trái phiếu mã AGMH2223001. Trong đó, ngày 14/12/2022 là ngày thanh toán lãi trái phiếu kỳ 3, thời gian tính lãi từ ngày 14/9/2022 đến ngày 14/12/2022.

Được biết, trái phiếu mã AGMH2223001, mệnh giá 300 tỷ đồng, đã mua lại một phần, dư nợ còn lại 210 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 14/9/2023 và lãi suất 7%/năm.

Theo công bố thông tin, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu mã AGMH2223001 bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Thửa đất số 218 tờ bản đồ số 4 tại phường 5, thành phố Tân An, tỉnh Long An thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Louis Holding.

Đồng thời, tài sản bảo đảm còn có Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với các khu đất tại thửa đất số 26, 39 tờ bản đồ số 79; thửa đất 49, 106, 55, 134, 133 tờ bản đồ số 69; thửa đất số 6, 20 tờ bản đồ số 68, ấp Thanh Niên, Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Louis Holdings.

‘Ông lớn’ lúa gạo Angimex tiếp tục chậm trả lãi lô trái phiếu 210 tỷ đồng
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó còn có hơn 2,6 triệu cổ phần phổ thông do Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladopharm) phát hành thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Louis Holdings và toàn bộ các quyền phát sinh từ các cổ phiếu đó.

Đối với trái phiếu mã AGMH2123001, các trái chủ đồng ý phát mãi tài sản bảo đảm và Angimex cam kết dùng các tài sản, nguồn thu khác của mình để trả hết nợ gốc cộng lãi trái phiếu (bao gồm lãi 7%/năm cộng phí hỗ trợ 5%/năm) chậm nhất đến ngày 31/3/2023. Sau ngày 31/3/2023, Angimex chưa hoàn thành trả nợ gốc và lãi trái phiếu thì sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Được biết, lô trái phiếu mã AGMH2123001 có mệnh giá 350 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm, kỳ hạn 24 tháng và đáo hạn ngày 9/11/2023.

Trước đó, cuối năm 2021, Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có tuyến bài cảnh báo rủi ro khi các nhà đầu tư quyết định đầu tư trái phiếu của Angimex. Thời điểm đó, báo đã đưa ra những vấn đề như: Nợ phải trả tăng đột biến, dòng tiền kinh doanh âm nặng... của Angimex sẽ phần nào ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của đơn vị phát hành.

Thực tế, sau sự kiện ông Đỗ Thành Nhân bị khởi tố vào tháng 4/2022, tình hình tài chính của công ty gặp nhiều khó khăn. Trước yêu cầu của các trái chủ, doanh nghiệp này đã phải tính toán đến nhiều phương án xử lý thanh toán khoản gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư nhưng lại gặp khó về dòng tiền.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, Angimex ghi nhận doanh thu đạt 3.454 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 139,3 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 44,71 tỷ đồng.

Tính tới thời điểm ngày 31/12/2022, Angimex có tổng tài sản hơn 1.651 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Mức giảm tới từ lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ gần 232 tỷ đồng xuống còn 11,2 tỷ đồng (giảm 95%); hàng tồn kho giảm hơn một nửa, còn 105 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả của Angimex là 1.266 tỷ đồng, giảm 8%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu gần 386 tỷ đồng, giảm 20%. Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp 3,2 lần vốn chủ sở hữu.

Việc nợ phải trả chiếm phần lớn nghĩa nguồn vốn hoạt động của Angimex hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.

Theo các chuyên gia, trong cấu trúc doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.

Hậu Lộc
Phiên bản di động