Doanh nghiệp Nhà nước cái gì cũng phải xin thì mất cơ hội kinh doanh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước cái gì cũng phải xin phép thì "không làm được, mất cơ hội kinh doanh", do đó cần tăng phân cấp, phân quyền...
Doanh nghiệp FDI lạc quan với tình hình kinh doanh quý cuối năm Mỗi tháng có hơn 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập, quay trở lại hoạt động

Sáng 7/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế, kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Do đó, Chính phủ trình dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 là cần thiết.

Doanh nghiệp Nhà nước cái gì cũng phải xin thì mất cơ hội kinh doanh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp.

Cũng theo Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn, tại Điều 25, dự thảo luật quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo quy định đầu tư và đầu tư công. Sau khi được cấp có thẩm quyền duyệt, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo quy định về pháp luật đầu tư, xây dựng và luật khác liên quan.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước sẽ không làm được gì với các quy định này.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, doanh nghiệp tư nhân làm hiệu quả vì họ tiết kiệm thời gian, đơn giản thủ tục, giảm được chi phí "xin chỗ nọ, chỗ kia". Trong khi đó, doanh nghiệp Nhà nước thì phải trình, xin nhiều cấp quản lý.

"Họ phải trình, xin ý kiến từ chiến lược, phương hướng đến kế hoạch và chịu trách nhiệm toàn diện để không làm mất vốn Nhà nước. Cái gì cũng phải xin thì làm sao chịu trách nhiệm toàn diện được", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề.

Doanh nghiệp Nhà nước cái gì cũng phải xin thì mất cơ hội kinh doanh
Quang cảnh phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhắc lại tinh thần Nghị quyết 12 của Trung ương là Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào sản xuất kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp Nhà nước.

"Vốn Nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp. Thế mà cái gì cũng đi xin thì không làm được, mất cơ hội kinh doanh", ông Định nói và đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, hạn chế cơ chế xin cho, tăng phân cấp, phân quyền.

Trước đó, nêu ý kiến thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, quy định về hoạt động đầu tư tại dự thảo luật vẫn can thiệp hành chính vào công việc quản trị của doanh nghiệp. Một số quy định cũng chưa thống nhất với các luật về đầu tư, doanh nghiệp và xây dựng.

Trên cơ sở đó, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát quy định để tránh chồng chéo về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Theo ông Lê Quang Mạnh, trường hợp đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh thông thường bằng vốn của doanh nghiệp nên phân cấp cho Hội đồng thành viên quyết định và chịu trách nhiệm, Chính phủ quy định chi tiết trình tự thủ tục. Còn trường hợp đầu tư dự án sản xuất kinh doanh bằng vốn ngân sách cấp thì doanh nghiệp làm chủ đầu tư theo quy định về đầu tư công.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với mục đích và các quan điểm xây dựng Luật Quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong dự thảo luật.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật cần tiếp tục quan điểm để bảo đảm việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho doanh nghiệp Nhà nước gắn với quy định về kiểm tra, giám sát doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với nguồn lực Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhưng nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp; giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Hậu Lộc
Phiên bản di động