Nữ sinh khiếm thị giành học bổng 1,5 tỷ đồng
Mang đến "Trạm yêu thương" cuốn sách “Giấc mơ nơi thiên đường”, Nghiêm Vũ Thu Loan tự tin chia sẻ rằng đó là tâm huyết của cô năm 20 tuổi. “Tôi bị khiếm thị bẩm sinh, nên từ khi sinh ra một bên mắt của tôi chỉ nhìn thấy lờ mờ. Thế nhưng nếu chúng ta nhìn mọi vật bằng đôi mắt thiên thần, chúng ta sẽ thấy mọi thứ như thiên đường mà ta mơ ước”. Đó không chỉ là lời mở đầu cho cuốn sách đầu tiên của Loan mà còn là kim chỉ nam giúp cô dũng cảm vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Nghiêm Vũ Thu Loan tại chương trình "Trạm yêu thương" |
Sinh ra trong một gia đình làm nông, nhà có 3 chị em, nhưng Loan và chị gái không may mắc khiếm thị bẩm sinh. Để có chi phí phẫu thuật mắt cho hai con, trong nhà có gì giá trị bố mẹ em đều mang đi bán hết. Dù chỉ nhìn được mọi thứ rất mờ ảo nhưng ước mơ hồi nhỏ của Loan là trở thành họa sĩ, vì em muốn vẽ mọi thứ bằng màu sắc mà mình thích. Suốt những năm tháng thơ ấu, Loan đã phải bước vào “cuộc chiến” để giành lại thị lực. Sau ca phẫu thuật đầu tiên, em nhìn được lờ mờ, đủ để phân biệt được những màu sắc cơ bản dưới ánh sáng mặt trời.
Rồi tai nạn năm 11 tuổi đã lấy đi những tia sáng cuối cùng ấy. Những tưởng bất hạnh liên tiếp ập đến sẽ khiến Thu Loan này gục ngã nhưng khi thực sự không còn nhìn thấy chút ánh sáng nào nữa, cô gái nhỏ vẫn đi tìm những nguồn sáng của riêng mình, em bắt đầu tìm niềm đam mê trong những con chữ và viết lách.
Cả tuổi thơ gắn với bệnh viện để chữa mắt, đến năm 9 tuổi, Loan mới bắt đầu cắp sách tới trường học lớp 1. “Hành trình đến trường của em gói gọn trong hai chữ “gian nan”. Loan và mẹ đã nhận được rất nhiều từ chối. Để được đi học, dù là ngồi bàn cuối em cũng chấp nhận. Biết bản thân mình khiếm khuyết, các bạn cố gắng 1 thì em nỗ lực gấp 10. Nhờ sự chăm chỉ và năng lực vượt trội, học xong lớp 1, em được tuyển thẳng lên lớp 3.
Không chỉ theo kịp bạn bè, cô gái khiếm thị còn đạt học sinh giỏi suốt những năm cấp 1 và cấp 2. Khi lên cấp 3, các trường THPT lại không nhận em vì “không có chương trình dành riêng cho người khiếm thị”. May mắn thay em được THPT Yên Hòa nhận vào học chung với các bạn mắt sáng khác.
"Ngay từ khi học lớp 6, em đã nhận thức được rằng không có kỳ thi vào cấp 3 riêng cho người khiếm thị, nên bằng mọi giá em phải đạt được giải quốc gia để có cơ hội được tuyển thẳng vào một trường nào đó. Thật may mắn vì trường THPT Yên Hòa đã nhận để em tiếp tục viết ước mơ vào Đại học” - Loan tâm sự.
Năm 2019, Loan được Đại học RMIT Việt Nam trao học bổng toàn phần trị giá 1,5 tỷ đồng. Với thành tích học tập nhiều người mơ ước, nếu là một người mắt sáng thì có lẽ Loan đã sớm được nhận vào các công ty để làm thêm hoặc thực tập nhưng hầu như em đều bị từ chối. Điều mong ước nhất của cô gái khiếm thị này là được mời đến phỏng vấn để có cơ hội thể hiện khả năng của mình.
Trên hành trình chinh phục ước mơ của Thu Loan luôn có sự đồng hành của mẹ. Những chia sẻ của cô Vũ Thị Hương, mẹ của Loan, sẽ giúp khán giả hình dung rõ hơn về sự mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng nghỉ của cô gái này.
Hiện tại ngoài việc học tập, viết lách,Thu Loan còn là chủ nhiệm CLB Step - Hành động vì người khiếm thị, tham gia các hoạt động hỗ trợ người khiếm thị hòa nhập cộng đồng, đi làm gia sư cho các em nhỏ khuyết tật và nuôi ước mơ trở thành một diễn giả, truyền cảm hứng đến những người có hoàn cảnh khó khăn. Món quà của "Trạm yêu thương" sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Thu Loan trên hành trình theo đuổi đam mê của mình.