"Nóng bỏng tay" với giá vàng!

Giá vàng miếng và vàng nhẫn tiếp tục chuỗi ngày lên đồng, liên tiếp phá kỷ lục để đạt mức giá cao chưa từng có.
Sốt giá vàng, ngành thuế yêu cầu rà soát các cơ sở kinh doanh vàng bạc Vì đâu giá vàng miếng SJC tăng cao khiến Thủ tướng phải ra chỉ đạo?

Theo ghi nhận của phóng viên, tính đến 14h, chiều 9/4, giá bán ra vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tăng lên mức 83,7 triệu đồng/lượng, trong khi ở chiều mua vào là 81,7 triệu đồng, tương đương mức chênh lệnh 2 triệu đồng.

Như vậy, so với thời điểm mở cửa giao dịch lúc sáng, giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng 1,1 - 1,3 triệu đồng mỗi lượng.

Tương tự, tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC được bán ra với mức 83,45 triệu đồng/lượng, trong khi mua vào là 81,45 triệu đồng, chênh lênh giữa mua vào - bán ra là 2 triệu đồng.

Không chỉ vàng miếng mà giá vàng nhẫn những ngày qua cũng tăng chóng mặt. Tại Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn, đến chiều nay, giá vàng nhẫn đang được bán ra với giá 74,85 triệu đồng/lượng và mua vào là 73,45 triệu đồng mỗi lượng.

Ảnh minh họa.

Theo lý giải, giá vàng trong nước tăng như lên đồng trong những ngày qua là do thị trường đang có nhiều yếu tố hỗ trợ, chủ yếu là tác động từ những động thái của thế giới.

Trong đó, giá vàng lập kỷ lục nhờ khối lượng giao dịch tăng cao sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell mới đây nhấn mạnh rằng những số liệu gần đây sẽ không làm thay đổi tình hình kinh tế tổng thể. Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng tích cực, các chuyên gia đánh giá Fed vẫn giữ quan điểm điều chỉnh lãi suất trong năm nay.

Bên cạnh đó, căng thẳng ở Trung Đông ngày càng gia tăng cũng thúc đẩy nhu cầu tìm đến các tài sản an toàn như vàng.

Tuy nhiên, ở trong nước, các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất, tránh tình trạng tiền mất tật mang.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên thận trọng khi đầu tư vào vàng thời điểm này bởi thị trường vàng biến động khó lường; khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước hiện nay đang ở ngưỡng cao, đẩy rủi ro về phía người đầu tư.

Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn, ổn định thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước phải đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia...

Hậu Lộc
Phiên bản di động