Nỗi lo tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp sau đại dịch
Nguồn vốn là thứ sống còn
Kể từ khi thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, mọi mặt đời sống kinh tế xã hội đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, các doanh nghiệp được đánh giá là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất.
Cũng chính bởi vậy, hàng loạt quyết sách được Nhà nước ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại đã chung tay tiếp sức doanh nghiệp bằng cách hạ lãi suất cho vay, miễn giảm và giãn nợ cho các khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh.
Đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, các hoạt động kinh tế xã hội dần trở lại bình thường, doanh nghiệp cũng bắt đầu phục hồi sản xuất kinh doanh.
Nguồn vốn bổ sung là thứ quan trọng đối với doanh nghiệp lúc này để phục hồi sản xuất kinh doanh. |
Tuy nhiên, sau khi trải qua chuỗi ngày khủng hoảng do dịch Covid-19, do nguồn thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn vốn.
Vì vậy, việc được tiếp cận các nguồn vốn là thứ quan trọng nhất lúc này đối với các doanh nghiệp.
Nỗi lo lắng của doanh nghiệp
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang triển khai thủ tục để được hưởng các chính sách hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn, làm việc với ngân hàng để được giãn trả nợ gốc và giảm lãi suất vốn vay có nguồn tiền đầu tư phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, vấn đề được ra là làm thế nào để tiếp cận được các gói hỗ trợ, và việc chứng minh thiệt hại do dịch bệnh để hưởng các chính sách hỗ trợ cũng là vấn đề khiến doanh nghiệp bối rối. Bởi hiện vẫn bộ tiêu chí cụ thể để phân loại nhóm doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp để nhận mức hỗ trợ tương ứng.
Chia sẻ với phóng viên, bà Chu Thị Tiến - Giám đốc một doanh nghiệp ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch, công ty bị cắt hàng loạt đơn hàng xuất khẩu nên doanh thu gần như không còn, công ty rơi vào cảnh tạm dừng hoạt động. Vì vậy, việc được hỗ trợ nguồn vốn lúc này sẽ là nguồn tiếp sức giúp doanh nghiệp ''sống'' trở lại.
''Chúng tôi cũng đang làm các thủ tục xin hỗ trợ được vay vốn với lãi suất thấp. Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại thật sự khiến chúng tôi bối rối bởi chưa có tiêu chí cụ thể nào để phân loại. Hơn nữa, việc cần gấp lúc này là vốn để phục hồi sản xuất, để đến khi chứng minh được thì sợ doanh nghiệp đã vỡ nợ'', bà Tiến chia sẻ.
Tương tự, anh Dương Ngọc Anh - Chủ một doanh nghiệp nhỏ ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng cho biết, anh mở xưởng kinh doanh buôn bán các thiết bị phục vụ nhà hàng, quán ăn... nhưng do dịch bệnh quán phải đóng cửa theo yêu cầu giãn cách xã hội, doanh thu không có trong khi vẫn phải chịu chi phí tiền thuê mặt bằng, phí duy trì. Ước tính mỗi tháng, anh Ngọc Anh cũng lỗ khoảng 300 triệu đồng.
''Hàng loạt chi phí như tiền thuê xưởng, tiền điện nước, lao động, lãi ngân hàng... trong khi doanh thu không có khiến nguồn vốn kinh doanh của tôi bị cạn kiệt. Để tồn tại, chúng tôi phải có thêm vốn, phải đi vay thêm tiền, biết các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhưng làm thế nào để tiếp cận thì lại là vấn đề khó'', anh Ngọc Anh chia sẻ.