6h sáng, Vàng Nỏ Hành, cậu học sinh lớp 1 tại bản Ngàm Soọc (xã Mậu Duệ) thức giấc, nhanh nhảu rửa mặt bằng nước được dẫn từ ống tre nứa về trước sân nhà. Không quên mang theo gói mèn mén được mẹ gói trong tàu lá chuối từ mờ sáng, cậu bé 7 tuổi vui vẻ chạy chân đất đi học.
"Em thích được đi học, đi học có vở để viết cái chữ, mà đi học còn có cơm ăn, no cái bụng và thích con mắt" - Nỏ Hành hớn hở khoe bằng tiếng Kinh lơ lớ chưa tròn vành rõ chữ.Lớp học bắt đầu từ 7h30, nhưng Nỏ Hành phải đi sớm hẳn 1 tiếng, bởi từ nhà cậu phải cuốc bộ gần 10km đường đất mới đến được điểm trường Phác Đén, nơi đang có hơn 20 học sinh người Mông theo học hai lớp 1 và 2.
Nỏ Hành là cái tên mà cha mẹ đặt cho em. Nỏ Hành trong tiếng Mông có nghĩa là "thành đạt", cha mẹ mong em lớn lên được no ấm, không còn phải lo về miếng ăn, cái mặc.
"Thế nên thầy cô đến vận động cho cháu đi học, tôi cho nó đi ngay chứ không bắt ở nhà làm nương rẫy. Thầy cô bảo đi học có con chữ, sau này mới có thể xuống dưới xuôi, kiếm được nhiều tiền hơn đi làm nương" - chị Méng, mẹ Nỏ Hành chia sẻ.
7h30, lớp học bắt đầu. Gọi là lớp học nhưng thật ra đấy là một căn nhà nhỏ được xây bao, chia thành 2 lớp học nhỏ. Trước cửa lớp, khung gỗ cố định phần mái với bức tường gãy làm đôi, xập xệ và ủ dột. Trần nhà lợp mái tôn, đã thủng vài ô, mùa mưa không đủ trú, mùa nắng không đủ che.
"Khổ nhất là những ngày mưa. Chúng tôi phải chia nhau đến tận nhà các học sinh trong bản để đón các cháu đi học. Nhưng đến lớp học rồi, trần nhà lại bị thủng cả mảng, cô trò phải nép một góc lớp để không bị ướt.
Các cháu lớp 1 còn chưa quen, hay đòi về vì ở nhà mưa thì không ướt, đến lớp mưa nước dột khắp phòng. Các cô giáo ở đây phải chuẩn bị gạo và đồ ăn, trưa nấu cơm để "dụ" các cháu ở lại lớp học" - cô Thọ, hiệu trưởng phụ trách điểm trường, chia sẻ.
Không có ngôi trường tường vàng, mái ngói đỏ tươi, nhưng những đứa trẻ nơi đây vẫn háo hức mỗi ngày với hành trình "kiếm chữ" trên non. Mỗi sáng, dưới chân đồi, tiếng cười nói, tiếng đọc bài ê a lại vang lên đều đều từng nhịp, đưa ước mơ của các bé bay xa trên vùng nẻo cao biên viễn Đông Bắc.
|
Lớp học vỏn vẹn 12m2 với hơn 20 học sinh lớp 1 và lớp 2 tại điểm trường Phác Đén (xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, Hà Giang) - Ảnh: HÀ NGUYÊN |
|
Đường đến điểm trường của Nỏ Hành (giữa) và các bạn - Ảnh: HÀ NGUYÊN |
|
Mỗi sáng, điểm trường lại vang lên tiếng đọc bài ê a - Ảnh: HÀ NGUYÊN |
|
Những đứa trẻ ở đây đều chân đất đến lớp học, dù trời nắng hay trời mưa - Ảnh: HÀ NGUYÊN |
|
Tại đây, học sinh đều là người đồng bào dân tộc Mông. Thời gian đầu, thầy cô gặp nhiều khó khăn để có thể vận động các cháu đi học - Ảnh: HÀ NGUYÊN |
|
Vận động được các cháu đến trường rồi, còn phải lo cho các cháu từ cuốn vở đến chiếc bút. Ở đây, thầy cô giáo phải quan tâm đến học sinh hơn rất nhiều, vì thời gian trên lớp mới học được, còn về nhà các cháu công việc gia đình, ruộng nương. "Tất cả chương trình đều phải kèm các cháu học ở lớp, vì về nhà bố mẹ cũng không biết chữ để kèm cặp. Thế nên tiến độ học của các học sinh ở đây rất chậm" - cô giáo tại điểm trường chia sẻ - Ảnh: HÀ NGUYÊN |
|
Nét chữ của Vàng Nỏ Hành - Ảnh: HÀ NGUYÊN |
|
Điểm trường có hai lớp, lớp 1 rộng 12m2 còn lớp 2 thì nhỏ hơn, chỉ khoảng 6m2 với hai dãy bàn ghế - Ảnh: HÀ NGUYÊN |