Những món ăn "khoái khẩu" tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Các món ăn từ thịt lợn sống như tiết canh, nem chua, nem chạo, nội tạng hấp "tái" luôn là những món nhậu "khoái khẩu". Tuy nhiên, nếu được chế biến, giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm thì đây có thể là nguồn gây bệnh liên cầu lợn rất nguy hiểm.
Đẩy mạnh công tác tập huấn và tuyên truyền về an toàn thực phẩm Quận Hoàn Kiếm lên kế hoạch xây dựng tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm Phát huy hiệu quả mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát

Mối nguy hiểm của bệnh liên cầu khuẩn lợn

Bệnh liên cầu khuẩn lợn (liên cầu lợn) là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm, gây ra bởi liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S.suis).

Qua thống kê cho thấy, bệnh liên cầu lợn xảy ra rải rác quanh năm, nhưng thường vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch bệnh có xu hướng gia tăng. Lợn mang liên cầu khuẩn là nguồn lây nhiễm chính.

Bệnh có thể lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín (như tiết canh, nem chua, nem chạo…) hoặc do tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da (đặc biệt là những người giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, chế biến thực phẩm…).

Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi cũng có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Ở nhiệt độ 250C, liên cầu khuẩn lợn sẽ sống được 24 giờ trong bụi và 8 ngày trong phân.

Những món ăn

Ăn tiết canh sống là một trong những nguyên nhân gây nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy, khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Đây tuy là món ăn "khoái khẩu" trên bàn nhậu nhưng tiết canh lợn ăn sống sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm khi ăn phải tiết của con lợn đang mắc bệnh. Nguồn tiết của con lợn bệnh chứa nhiều vi sinh vật, vi khuẩn, virut, ký sinh trùng... Người ăn tiết canh từ con lợn bệnh sẽ rất dễ nhiễm bệnh từ lợn.

Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Một điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho thấy, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn có giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, bệnh liên cầu khuẩn lợn diễn biến cực kỳ nhanh chóng, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng.

Người nhiễm bệnh liên cầu lợn gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu nhiễm khuẩn đã nặng.

Để phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn, theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…

Ngoài ra, người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Không ăn tiết canh, nấu ăn chế biến cũng có nguy cơ mắc liên cầu lợn

Ngày 19/9, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, chỉ trong 2 tuần (từ ngày 2 đến 16/9), Hà Nội liên tiếp ghi nhận 2 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn, trong đó có 1 người không ăn tiết canh, không giết mổ lợn.

Như vậy, từ đầu năm đến ngày 16/9, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 3 ca mắc liên cầu khuẩn lợn (tăng 2 ca so với cùng kỳ năm 2021).

Những món ăn


Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn bị ban xuất huyết hoại tử dưới da

Chỉ hơn 1 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân, nam bệnh nhân N.T.M (60 tuổi, làm ruộng, địa chỉ ở Giáp Ngọ, xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) đã rơi vào tình trạng kích động, khó tiếp xúc, nằm ở tư thế cò súng, cứng gáy. Ngay sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa tới Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với Streptococcus suis (nhiễm liên cầu khuẩn lợn).

Đáng lưu ý, 14 ngày trước khi khởi phát bệnh, ông M không ăn lòng lợn, tiết canh, không tham gia giết mổ lợn, gia đình cũng không chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, ông là người thường xuyên nấu ăn trong gia đình.

Một trường hợp khác cũng vừa ghi nhận mắc liên cầu lợn tại Hà Nội là bệnh nhân nam (48 tuổi, ở thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai). Người đàn ông này bất ngờ xuất hiện tình trạng sốt cao, vào khám và điều trị tại trạm y tế trên địa bàn nhưng không đỡ.

Sau đó, bệnh nhân đau đầu nhiều, giảm nhận thức nên được chuyển đến Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm dịch não tủy, nuôi cấy Streptococcus suis dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Hầu hết các ca bệnh liên cầu lợn đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua…

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn tái sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.

Trong số 2 bệnh nhân vừa phát hiện liên cầu lợn có 1 trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn nhưng vẫn nhiễm bệnh. Nhiều khả năng, bệnh nhân có thể ăn phải thịt lợn nhiễm bệnh chưa nấu chín kỹ hoặc khi chế biến thức ăn có tiếp xúc với thịt lợn nhiễm bệnh.

Phương Thu
Phiên bản di động